Bài cuối: Xa dần tiếng thơm

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:47, 27/05/2011

(HNM) - Cách đây 17 năm, trong một công trình nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, nhà sử học Trần Quốc Vượng nhận định: Thanh lịch mà biểu hiện qua lối sống đã xuống cấp. Và đến hôm nay, lời cảnh báo của ông đang cụ thể hơn, rõ hơn và đáng ngại hơn. Nhiều người đổ lỗi sự xuống cấp của lối sống do cơ chế thị trường. Đó chỉ là ngụy biện.

Coi nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm mất dần nét thanh lịch của người Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm


Truyền thống thanh lịch
Văn hóa Thăng Long - Hà Nội không tự nhiên mà có, nó ra đời trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng kinh đô của Đại Việt và sau này là nước Việt Nam. Trong quá trình ấy, văn hóa Kẻ Chợ  tiếp nhận những cái hay, cái đẹp và đào thải những cái không phù hợp để hoàn thiện và trở thành một phần của tâm thức Hà Nội. Nét thanh lịch cũng xuất hiện khi người Kẻ Chợ hoàn thiện văn hóa cho riêng mình.

Thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển mạnh ở Việt Nam nên người Thăng Long chịu ảnh hưởng của các quan niệm nhà Phật: sống phải có tâm có đức. Thời Trần, dân ở 61 phường trong kinh đô đi vệ sinh bừa bãi bị phạt roi, ra đường thấy người lớn không chào bị khép tội bất kính. Theo thời gian, văn hóa phát triển đến tầm cao đã kết tinh thành văn hiến rồi truyền từ đời này sang đời khác. Người Hà Nội thường tự hào với câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An”. Trong kho tàng ca dao Hà Nội cũng có rất nhiều câu nói về sự thanh lịch: “Đất tốt trồng cây rườm rà/Những người thanh lịch nói ra dịu dàng... Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu, khẽ gõ bên thành cũng kêu... Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời... Vàng thì thử lửa, thử than/Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”... Với cô gái làng hoa Ngọc Hà: Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng/Thơm cành, thơm rễ, người trồng cũng thơm”. Với cô hàng kẹo làng Lủ: “Mình từ làng kẹo mình ra/Nên mình nói ngọt cho ta phải lòng”. Và cả đến dân làng Láng ở ven kinh đô được thiên hạ biết đến với cây rau húng thơm nhẹ nhàng, cay dìu dịu cũng “Mượn người lịch sự gánh lên kinh kỳ”...

Thanh lịch đã làm nên cốt cách người Thăng Long - Hà Nội và trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Nhà sử học Trần Quốc Vượng, người có nhiều công trình nghiên cứu sâu về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn hóa dân gian Hà Nội từng viết “Thăng Long - Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có một sắc thái ngôn ngữ riêng: tiếng Hà Nội; một bản lĩnh riêng: sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”.

Không thể để thanh lịch mai một
Không ít người cho rằng thanh lịch là khái niệm trừu tượng, thiếu tính cụ thể . Thực ra nếu không có điều kiện đọc sách thì chỉ cần tiếp xúc với những người lớn tuổi sống lâu năm ở Hà Nội, thậm chí cả lớp trẻ, nghe họ nói, chứng kiến họ ứng xử, nhìn họ đi lại, cách họ ăn uống... cũng có thể biết thế nào là thanh lịch. Hiểu một cách đơn giản: thanh nghĩa là trong, là thanh cao, ý nói về đạo đức, văn hóa, nếp sống cao đẹp hơn mức đời thường. Lịch là lịch lãm, lịch sự, lịch duyệt, nghĩa là có trình độ hiểu biết, giao du rộng rãi, tiến bộ, bắt kịp thời đại. Thanh lịch thể hiện qua lời ăn tiếng nói có thưa có gửi, có trên có dưới, góp ý không vỗ vào mặt nhau, ăn mặc không phô trương lòe loẹt... Thanh lịch là “chuẩn sống” không thành văn đối với dân Kẻ Chợ, nói cách khác là “tôn giáo” của Kẻ Chợ, vì thế, đã trót sống ở kinh đô không thể không thanh lịch. Thanh lịch cũng là cái đích cho dân tứ phương về sinh sống ở mảnh đất này. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần người nhập cư cũng  ngấm vào máu cái “ý nhị, tế vi, tao nhã, khoáng đạt...”.

Sự xuống cấp về thanh lịch ở Hà Nội biểu hiện ở lối sống. Từ lối sống trọng nhân trọng đức đã chuyển ngoặt sang lối sống thực dụng. Trong suy nghĩ của không ít người hiện đang sống trên đất Hà Nội thì tiền là tất cả, là cái đích cuối cùng. Những người này bán rẻ lương tâm để kiếm tiền bằng mọi cách, thậm chí vi phạm pháp luật. Anh em trong nhà tranh nhau vài phân đất, thậm chí đánh nhau và từ mặt nhau. Tình trạng tham ô, tham nhũng, cậy chức, cậy quyền nhũng nhiễu dân tuy không phổ biến rộng rãi trong xã hội nhưng cũng không hiếm gặp. Có tiền, họ sống xa hoa, tậu xe đắt tiền, ở những biệt thự sang trọng. Chuyện “Bán anh em xa mua láng giềng gần” chỉ còn là câu nói của một thời bởi bây giờ nhà nào biết nhà nấy, những ngôi nhà cao ngất với cánh cửa lạnh lùng luôn luôn khép kín ở những con phố mới.

Lối sống coi nhẹ pháp luật là biểu hiện sự xuống cấp của thanh lịch. Tại các di tích lịch sử - văn hóa, ví dụ như Tháp Hòa Phong, Tháp Bút nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm, nơi mà khách du lịch trong nước, ngoài nước thăm viếng hằng ngày nhưng bất chấp quy định nhiều người vẫn viết những lời lẽ yêu đương, tán tỉnh nhau. Các bức tường sơn đẹp đẽ đầy rẫy những tờ quảng cáo, rao vặt. Hằng ngày, ai cũng dễ dàng nhận  thấy cảnh “5 trong 1” (xe không biển kiểm soát, chở 3 người, vừa lái xe vừa gọi điện thoại di động và không mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ) của một bộ phận thanh niên tham gia giao thông. Coi nhẹ các giá trị văn hóa truyền thống cũng là sa sút của thanh lịch.

Các nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội đã chỉ ra rằng, ngay cả ngày xưa, người dân có ý thức tự giác, chịu học hỏi và bắt chước mà chính quyền vẫn còn có cảnh sát “Kiểm tục”. Còn bây giờ quản lý lơi lỏng, tính tự giác kém đi, các trường phổ thông thiếu những bài học về văn hóa Hà Nội, lại không ai kiểm tra nên thanh lịch mai một là điều dễ hiểu.

Nghị quyết của Đảng sau các kỳ đại hội về văn hóa - xã hội luôn luôn coi trọng văn hóa vì “văn hóa là động lực cho phát triển”. Trước thực trạng mai một về thanh lịch - truyền thống nghìn năm của Hà Nội, sự “xuống cấp” về đạo đức, lối sống, ngày 4-8-2008, Thành ủy Hà Nội đã ban hành “Chương trình 08” với 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có “Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch”. Xây dựng tiêu chí chung về “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch” để người dân biết thanh lịch là gì, từ đó dễ thực hiện. Chương trình cũng đồng thời kết hợp với các phong trào khác như “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền”... Qua 3 năm triển khai, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả còn rất khiêm tốn và muốn người Hà Nội tiếp nối truyền thống thanh lịch cần phải quyết liệt hơn nữa.

Lời kết
Chỉ 5 bài viết về những “Khuyết tật đô thị” của Hànộimới chưa thể mô tả hết những góc cạnh còn khiếm khuyết trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Có thể khẳng định, sau hơn 20 năm đổi mới, Hà Nội có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó Hà Nội vẫn còn những yếu kém trong quy hoạch và quản lý đô thị, trong xây dựng lối sống văn hóa... Thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng yếu kém để từ đó có giải pháp khắc phục có hiệu quả, tiếp tục phát huy thành tích và những kinh nghiệm đạt được, trong thời gian tới, chắc chắn thành phố sẽ có những cuộc “đại phẫu” chỉnh sửa “khuyết tật đô thị”, để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Nguyễn Ngọc Tiến