2020: Hà Nội phải trở thành TTTM lớn ở khu vực Đông Nam Á
Kinh tế - Ngày đăng : 13:53, 26/05/2011
Theo dự thảo quy hoạch do Sở Công thương đứng ra chủ trì xây dựng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt bình quân 10-12%/năm giai đoạn 2011 – 2015; đạt 14- 15%/năm, giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ giai đoạn 2011- 2015 đạt 9-10%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 đạt 8-10%/năm. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng tỷ trọng sản phẩm dịch vụ xuất khẩu. Đến năm 2020, sản phẩm chế biến chiếm 65% dịch vụ; dịch vụ chiếm 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.
Bên cạnh đó, ở mục tiêu tăng GDP của ngành thương mại bình quân giai đoạn 2011 – 2020 là 10,3%/năm. Tỷ trọng GDP của ngành thương mại trong tổng GDP của TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020 khoảng 17-19%; tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 16,8%, giai đoạn 2016 – 2020 là 17,9%/năm và giai đoạn 2021 – 2030 là 17,5%; Tỷ trọng bán lẻ thương mại hiện đại đạt 50% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu trên, Hà Nội xác định có những nhóm hàng chủ lực như nông sản, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, điện tử, tin học, viễn thông, cơ kim khí, vật liệu xây dựng cao cấp. Các mặt hàng xuất khẩu hướng đến thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Asean. Bên cạnh đó, phát triển các lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ như du lịch, lao động và chuyên gia, phầm mềm, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Mua sắm tại TTTM Big C Hà Nội.
Đáng chú ý, ở thị trường nội địa, Hà Nội tập trung phát triển hệ thống thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng; hàng tư liệu sản xuất; xây dựng hệ thống mạng lưới bán buôn và bán lẻ (như bách hóa tổng hợp, siêu thị, siêu thị tổng hợp, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ…).
Dự bán nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của ngành thương mại đến năm 2030 là 521.187,6 tỷ đồng.
Tham gia góp ý vào dự thảo, đa số ý kiến các đại biểu từ TP, sở, ngành, viện nghiên cứu đều đồng thuận với những định hướng quy hoạch thương mại trong bản dự thảo đã đưa ra, chỉ góp ý để làm rõ hơn một số hạng mục. Ví như ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng: trong xây dựng quy hoạch ngành thương mại vẫn có xu hướng bình quân, rải mành mành các dự án theo đơn vị hành chính nên khó phát triển Thủ đô thành trung tâm thương mại văn minh, hiện đại. Trên địa bàn Thủ đô cần tập trung xây dựng một số trung tâm mua sắm lớn, TP dành quỹ đất để đầu tư. Việc này giống như một số TP khác trên thế giới họ có những trung tâm mua sắm cách nội đô vài chục km nhưng vẫn hút khách vì đến đó “mua cái gì cũng có”. Về nguồn vốn đầu tư, cần phân loại rõ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa, có quy hoạch rõ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn nữa việc xây dựng các trung tâm thương mại, hay chợ cũng phải bóc tách ra, không để hỗn hợp trong một tòa nhà dưới là chợ, trên là văn phòng, nhà ở…
Góp ý riêng về vấn đề chợ, Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng cho rằng cần phải rà soát lại hệ thống chợ hiện nay, nơi xây chợ lại bỏ không, nơi không quy hoạch chợ lại họp tự phát. TP cần đẩy mạnh xây dựng các chợ đầu mối để tập trung hàng hóa và kiểm soát được việc phân phối. Phát triển dịch vụ thương mại cần gắn với phát triển làng nghề…
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phải tạo bước đột phá để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng thương mại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, đưa Hà Nội không những trở thành TTTM lớn của cả nước mà cả trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Trong quy hoạch phải nêu rõ các cơ chế chính sách thực hiện, giải pháp huy động nguồn lực tài chính, bố trí đất đai, con người, công nghệ thực hiện…; mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước…
Đáng chú ý, Chủ tịch cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội, trong 5 năm tới, đẩy mạnh phát triển hệ thống trung tâm thương mại, hội chợ - triển lãm mang tầm quốc tế (tại khu vực gần sân bay Nội Bài) để thu hút các khách trong khu vực Đông Nam Á đến tham gia hội nghị, hội thảo, tổ chức triển lãm hàng hóa. Hiện nay, TP Nam Ninh của Trung Quốc đã làm tốt việc này. Hà Nội là cửa ngõ Đông Bắc, Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, thuận lợi phát triển các trung tâm thương mại, triển lãm... cần phải đầu tư.
Cuối cùng, Chủ tịch giao Sở Công thương tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện bản dự thảo quy hoạch, lấy ý kiến phản biện từ các Sở Kế hoạch Đầu tư, Viện Kinh tế Hà Nội, Ủy ban ngân sách TP… trước khi báo cáo Thường vụ Thành ủy và Hội đồng nhân dân thông qua.