Không chỉ tìm chỗ đứng
Xe++ - Ngày đăng : 07:14, 26/05/2011
Giới thiệu các tính năng của điện thoại Q-mobile với khách hàng. Ảnh: Thanh Hải
Trong khi người tiêu dùng trong nước hầu như chỉ biết đến những chiếc điện thoại của Nokia, Samsung… và các nhà sản xuất toàn cầu này cũng đưa ra thị trường Việt Nam những chiếc điện thoại có giá tương đối rẻ (trên dưới 1 triệu đồng), thì bài toán làm sao để điện thoại thương hiệu Việt có chỗ đứng thật khó tìm lời giải đáp. Đến nay, DN được coi là thành công trong sản xuất điện thoại thương hiệu Việt phải kể đến Công ty Viễn thông An Bình (AB Tel) - chủ thương hiệu Q-mobile. Với phương châm hướng đến người tiêu dùng bình thường nhất, Q-mobile đã cho ra thị trường điện thoại với giá thành không chỉ rẻ (500.000 đồng) mà còn có tính năng 2 sim 2 sóng, mẫu mã bắt mắt… Do vậy, sản phẩm của Q-mobile hiện chiếm hơn 20% thị phần trong nước, có thông tin cho rằng, chỉ đứng sau Nokia. Không chỉ có vậy, Q-mobile còn có những sản phẩm cao cấp với nhiều tính năng, dành cho người tiêu dùng có thu nhập cao hơn (trên dưới 2 triệu đồng). Tiếp sau là FPT - mobile, ngoài các sản phẩm thông thường, DN này chú trọng vào phát triển dòng điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng dựa trên kho phần mềm Việt F-store… Cùng thời điểm với Q-mobile và FPT-mobile còn có các thương hiệu điện thoại trong nước khác là Mobistar, Mobell. Sự thành công của Q-mobile và FPT-mobile dường như đã khích lệ một loạt DN khác tham gia. Liên tiếp từ cuối năm 2010 đến nay, các tên tuổi lớn của làng viễn thông, công nghệ thông tin, như VNPT (Avio), CMC (Bluefone), Hanel, Viettel lần lượt gia nhập và có những đầu tư đáng kể cho việc sản xuất này. Đặc biệt là Viettel, từ năm 2009, tập đoàn này đã công bố bắt tay vào sản xuất điện thoại, trong đó Viettel đã không ngại thuê chuyên gia nước ngoài từng làm việc cho Motorola sang nghiên cứu thiết kế sản phẩm. Thực tế, không chỉ chế tạo máy điện thoại cố định không dây Homephone, tập đoàn này còn làm cả điện thoại chuyên dụng dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cho tàu tuần tra, vận tải. Mới đây, Viettel còn đưa ra thị trường dòng điện thoại thông minh 3G...
Tính sơ sơ, thị trường trong nước đã có tới 10 thương hiệu điện thoại Việt với những sản phẩm có giá cả từ bình dân đến cao cấp. Ngay cả những sản phẩm được coi là cao cấp cũng có giá hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng trong nước (chỉ trên dưới 2 triệu đồng). Đặc biệt, hầu hết sản phẩm đều có tính năng 2 sim 2 sóng, rất thuận tiện cho khách hàng có thể sử dụng đồng thời nhiều sim điện thoại - có thể dùng tận dụng các chương trình khuyến mãi của các nhà mạng. Việc ra đời điện thoại thương hiệu Việt là rất đáng khích lệ, các DN tham gia không chỉ ghi tên tuổi vào một ngành hàng có sức tiêu thụ lớn như điện thoại di động, mà còn đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn với giá cả phù hợp. Cho đến nay, một số thương hiệu điện thoại di động trong nước đã có được chỗ đứng và có sức tiêu thụ lớn. Tuy nhiên xuất hiện một vấn đề, việc "nở rộ" các nhà sản xuất điện thoại di động, khiến chúng ta liên tưởng tới phong trào sản xuất máy tính thương hiệu Việt trước đây. Cả hai (điện thoại di động và máy tính) đều có điểm chung là người Việt Nam giữ vai trò thiết kế rồi thuê sản xuất 100% ở nước ngoài. Trong một môi trường sản xuất toàn cầu, không thể đòi hỏi ta nhất định phải sản xuất từ A đến Z, thì việc đặt hàng nước ngoài sản xuất cũng là chuyện bình thường. Ưu thế của điện thoại thương hiệu Việt là giá thành rẻ lại có nhiều tính năng. Nhưng, bài học từ sản xuất máy tính thương hiệu Việt cho thấy, khi các thương hiệu uy tín nước ngoài thay đổi quan điểm kinh doanh, cộng với yếu tố công nghệ giúp họ hạ giá thành… thì tất nhiên khách hàng sẽ lựa chọn hàng ngoại. Đến nay có thể thấy trên thị trường Việt Nam các hãng điện thoại di động lớn chưa thay đổi quan điểm kinh doanh, cũng như chưa "để mắt" nhiều tới sự phổng phao của một số thương hiệu điện thoại Việt Nam để đề ra những chiến lược giành thị phần tương ứng. Đơn cử như Nokia vẫn bảo lưu quan điểm không chú trọng phát triển dòng điện thoại 2 sim 2 sóng hoặc về giá thành, sản phẩm dành cho đối tượng có thu nhập cao theo quan điểm của họ là từ 5-6 triệu đồng trở lên… Tuy nhiên một lúc nào đó, họ thay đổi… thì điện thoại thương hiệu Việt sẽ ra sao?