Phát thanh - truyền hình trong kỷ nguyên số
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 26/05/2011
Với chủ đề "Phát thanh - truyền hình trong kỷ nguyên số", vấn đề làm thế nào để khẳng định được vị thế của hai loại hình báo chí quan trọng này trong kỷ nguyên số hóa có sự cạnh tranh khốc liệt được các đại biểu tham dự AMS8 quan tâm.
PT-TH cần đi trước, đón đầu về ứng dụng công nghệ
Ảnh: VTV
Với 8 phiên thảo luận chính trong hai ngày hội thảo, hơn 600 đại biểu đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự AMS8 - do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) tổ chức - đã thảo luận một loạt vấn đề nóng mà PT-TH đang đối mặt trong "kỷ nguyên kỹ thuật số". Các đại biểu nhất trí rằng, hoạt động của PT-TH đã khác, sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông ngày càng khốc liệt. Để khẳng định được vai trò và vị thế, PT-TH cần phải đi trước, đón đầu về việc ứng dụng công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hệ thống PT-TH Việt Nam đang phát triển nhanh, mạnh theo hướng hiện đại hóa về kỹ thuật công nghệ, chuyên nghiệp hóa về sản xuất chương trình, đa dạng hóa về thể loại chương trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin đa dạng của người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ hầu hết công nghệ hiện có trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng, ngay từ năm 2007, phạm vi phủ sóng PT mặt đất tại Việt Nam đạt hơn 99%, phủ sóng TH mặt đất đạt gần 95%. Từ năm 2008, sau khi phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat -1 lên quỹ đạo, tỷ lệ phủ sóng PT-TH ở Việt Nam đạt xấp xỉ 100%. PT-TH của Việt Nam đang phát triển phù hợp với xu thế chung, từng bước hội nhập với PT-TH thế giới.
Cuộc chiến thu hút công chúng
Chủ tịch Đại hội đồng AIBD Thoyyib Mohamed Waheed cho rằng, PT-TH từng là tâm điểm của sự chú ý. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của máy tính xách tay, điện thoại di động và máy tính bảng, tầm ảnh hưởng và sức hút mạnh mẽ của PT-TH đã giảm bớt phần nào làm thay đổi quan niệm về vị trí độc tôn của chúng trước đây. "Với công nghệ số ở khắp nơi, cuộc chiến thu hút công chúng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. PT-TH không thể đơn thuần là "chiếc hộp" trong mỗi gia đình mà phải trở thành một loại hình truyền thông năng động với công nghệ số hiện đại, có khả năng thay đổi trải nghiệm của khách hàng" - ông Thoyyib Mohamed Waheed chia sẻ. Ông cho rằng, công chúng ngày càng chọn lựa chương trình kỹ càng hơn, đòi hỏi một loại hình truyền thông mà họ có thể tiếp cận được mọi lúc mọi nơi, phù hợp với thời gian và xứng đáng với tiền bạc mà họ bỏ ra. Vì thế, PT-TH phải ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để có thể thỏa mãn nhu cầu khán, thính giả.
Sự phát triển mạnh mẽ công nghệ số đang đặt ra cơ hội và thách thức cho sự phát triển của PT-TH. Trong bối cảnh đó, PT-TH không còn lựa chọn nào khác là phải phát huy tối đa lợi thế của mình, hiện đại hóa không chỉ nội dung, chương trình mà còn cả công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Giám đốc AIBD Dương Tân Nguyên đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam; đồng thời khẳng định AMS8 kết thúc tốt đẹp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho AIBD cũng như các tổ chức thành viên, các đối tác.
Thành công của AMS8 tại Hà Nội càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang thực hiện lộ trình quy hoạch truyền dẫn phát sóng PT-TH số và chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước có công nghệ thông tin mạnh vào năm 2020.