Thăng Long Espana - không gian nghệ thuật của tình bạn Việt Nam – Tây Ban Nha
Văn hóa - Ngày đăng : 18:02, 25/05/2011
(HNNN) - Trong năm 2010, ĐSQ Tây Ban Nha tại Việt Nam đã triển khai nhiều họat động văn hóa nghệ thuật dành tặng Thủ đô nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tháng 4-2010, họa sĩ Louis Lambert đã tới Hà Nội tham gia thực hiện một đoạn tranh gốm trên Con đường Gốm sứ ven sông Hồng. Ngày 2-10-2010, Lễ hội Rồng hoành tráng kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và pháo hoa đã diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ Tây Ban Nha và Việt Nam.
Cũng trong tháng 10-2010, một dự án về nghệ thuật trang trí kiến trúc đã được khởi động tại khách sạn Sen Thăng Long ở số 63 phố Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, mặt tiền kiến trúc và nội thất bên trong khách sạn đang được cải tạo thành một tòa nhà với phong cách mới hiện đại. Khách sạn được đổi tên là Thăng Long Espana. Ngài Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio cho biết : “Chúng tôi muốn có một quà tặng đặc biệt dành tặng thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là một địa chỉ nghệ thuật mới với dấu ấn sáng tạo của nhiều nghệ sĩ Tây Ban Nha và Việt Nam. Dự án là sự hợp tác giữa Tổ chức phát triển Tây Ban Nha AECID, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Một khái niệm mới về khách sạn nghệ thuật tạo nên một điểm đến độc đáo và hấp dẫn cho Thủ đô sẽ thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế cũng như tạo nên một địa chỉ giao lưu văn hóa mới giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.”.
Công ty Kiến trúc và Nghệ thuật El fabricante de espheras từ thành phố Valencia đã làm việc hăng say trong 6 tháng vừa qua và họ đã cải tạo xong toàn bộ mặt tiền tòa nhà, sảnh lễ tân, cầu thang, phòng họp và một phòng khách sạn với chủ đề Đêm trong rừng tre Việt. Kiến trúc sư Pasqual Herrero Vicent, người phụ trách dự án cho biết : “Khi thiết kế cải tạo khách sạn, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng là phong cách hiện đại với hai màu đen trắng chủ đạo và ánh sáng vàng ấm áp. Các bạn sẽ nhìn thấy những đường nét hình học tối giản trong các chi tiết trang trí từ quầy lễ tân, cầu thang đến các cánh cửa. Cách chiếu sáng hắt ra từ những tấm panel phẳng của trần nhà hay cầu thang cũng tạo nên cảm giác khác lạ. Khi thiết kế phòng Đêm trong rừng tre, tôi muốn du khách sẽ trải nghiệm cảm giác được ngủ đêm trong rừng tre của Việt Nam. Cây tre có nhiều gắn bó với đời sống và lịch sử của con người Việt Nam. Với con mắt của một kiến trúc sư nước ngoài, tôi muốn khai thác hiệu quả thẩm mỹ và cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà những cây tre mang lại khi ứng dụng vào trang trí kiến trúc. Nền nhà đen, ánh sáng vàng ấm áp và những thân tre ngà bao bọc toàn bộ căn phòng tạo nên một hiệu ứng rất gợi cảm.”.
Trong giai đoạn 1 của dự án, có 7 nghệ sĩ Tây Ban Nha và Việt Nam tham gia thiết kế các phòng của tầng 4 khách sạn. Mỗi phòng khách sạn sẽ mang một phong cách riêng của mỗi nghệ sĩ. Phòng 401 do nghệ sĩ Diego Cortizas thiết kế với tên gọi Lạc lối trong lòng Hà Nội. Diego sẽ vẽ bản đồ Hà Nội trên trần nhà để từ tư thế nằm, du khách sẽ xem được bản đồ Hà Nội. Bao bọc xung quanh tường sẽ là hàng trăm bức chân dung những con người Hà Nội từ già tới trẻ với nhiều tâm trạng khác nhau. Còn sàn nhà sẽ là bộ sưu tập các mẫu gạch bông trang trí của Hà Nội từ xưa đến nay. Phòng 402 do họa sĩ Doãn Sơn thiết kế lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long với cuộc du ngoạn giữa những núi đá và mặt nước : “… chậm rãi bạn sẽ nhận ra mục đích của mình, một cảnh đẹp của những tảng đá khổng lồ nổi trên mặt biển…Âm thanh, tiếng vọng của sóng xô vào đá tạo nên một không gian huyền bí…”.
Phòng 403- Đêm trong rừng tre Việt do kiến trúc sư Pasqual Herrero Vicent đại diện cho El fabricante de espheras thiết kế. “Hãy tưởng tượng bạn đang trong một khu rừng tre…bỗng nhiên mở ra một khoảng không phản chiếu huyền bí…Hãy vươn cao, chọn lấy một chùm sao và hòa mình với chúng…một trải nghiệm với thiên nhiên Việt Nam…”. Phòng 404 do họa sĩ Nguyễn Đức thiết kế tái hiện một khoang tàu vũ trụ, tìm lại cảm giác giấc mơ thời thơ ấu để từ những ô cửa tàu vũ trụ nhìn ra dải ngân hà đầy sao. Phòng 405 do Nomade Studio thiết kế với tên gọi phòng Origami, mô phỏng những đường gấp khúc từ nghệ thuật gấp giấy Origami để tạo nên một không gian màu trắng với những nét đen mảnh gấp khúc. Phòng 406 do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thiết kế với tên gọi Sóng nước sông Hồng, ứng dụng các mảng trang trí gắn gốm mosaic vào không gian 3 chiều của nội thất : “Hãy để những con sóng dẫn dắt trí tưởng tượng của bạn bay bổng…”. Phòng 407 do họa sĩ vẽ truyện tranh rất nổi tiếng của Tây Ban Nha thiết kế. Đó là họa sĩ Juanjo Saez. Phòng được trang trí bằng màu đỏ chủ đạo với rèm cửa và ga trải giường carô đỏ trắng và những bức vẽ minh họa của Juanjo Saez ở trên tường. Một điều thú vị là thiết kế của các nghệ sĩ đều khác lạ, đặc biệt, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi người.
Dự kiến khách sạn nghệ thuật Thăng Long Espana sẽ được hoàn thiện và trao tặng thành phố Hà Nội vào dịp kỷ niệm quốc khánh của Tây Ban Nha ngày 12/10 năm nay. Một không gian nghệ thuật được tạo nên dựa trên tình bạn và hợp tác giữa các nghệ sĩ hai nước Việt Nam Tây Ban Nha sẽ mở ra triển vọng cho các hoạt động hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ và nhân dân hai nước.