Cơn thịnh nộ trên lá phiếu

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 25/05/2011

(HNM) - Đảng Xã hội của Tây Ban Nha vừa trở thành đảng cầm quyền tiếp theo ở châu Âu, sau Đức, Pháp, Italia hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương.

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ liên tục diễn ra tại Tây Ban Nha trong 10 ngày qua.

Kết quả được công bố ngày 23-5 cho thấy, đảng Xã hội của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero chỉ giành được 27,81% tổng số phiếu bầu, trong khi đảng đối lập Nhân dân được 37,58% số phiếu. Đây là thất bại cay đắng nhất của đảng Xã hội từ khi kết thúc thời kỳ độc tài Francisco Franco năm 1978. Đáng chú ý là, đảng Xã hội mất quyền kiểm soát tuyệt đối tại nhiều vùng, kể cả các thành phố lớn vốn được coi là "thành trì" của đảng này trong suốt 28 năm qua như Seville, Barcelona, hay vùng Castilla-La Mancha. Với kết quả khiêm tốn như vậy, đảng Xã hội đang phải đối mặt với một tương lai không thể nói là sáng sủa trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Hiện tại, Tây Ban Nha đang được nhìn nhận như một mắt xích yếu tiếp theo của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Ngay trước khi cuộc bầu cử địa phương diễn ra, thị trường thế giới đã lan truyền tin đồn về khả năng Tây Ban Nha sẽ sớm cầu viện Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết núi nợ công. Thông tin này như một nhát cắt bồi thêm vào "vết thương" khủng hoảng đang ngày càng lan rộng và làm gia tăng mối quan ngại về hệ thống tài chính châu Âu. Mặc dù sau đó, Madrid đã lên tiếng bác bỏ khả năng này, song thông qua những chỉ số mà các định chế tài chính trong nước đưa ra, không thể phủ nhận nền kinh tế của nước này đang trong tình trạng rất mong manh, ít nhất là về trung hạn.

Đến hết quý I năm nay, nợ công của Tây Ban Nha đã lên tới khoảng 639 tỷ euro, chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là mức cao nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, mối lo chính của xứ sở bò tót không chỉ nằm ở nợ công mà còn là nợ tư nhân thông qua các khoản vay của công ty và hộ gia đình, đã lên mức 170% GDP. Theo con số của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha thông báo, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nước này đã tăng hơn 6,1% lên mức 110,7 tỷ euro trong tháng 1-2011, cao nhất trong 16 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hiện đã ở mức 21% - cao nhất trong Eurozone, khiến nhiều người dân không thể thanh toán nợ đúng hạn. Khủng hoảng nợ công đã khiến tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha liên tục giảm tốc, từ 3,7% năm 2009 xuống chỉ còn 0,3% trong quý I năm 2011.

Lo ngại nguy cơ vỡ nợ của Tây Ban Nha là nguyên nhân đẩy lãi suất trái phiếu nước này tăng cùng chiều với lãi suất trái phiếu của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Ngay sau khi kết quả bầu cử địa phương được thông báo, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23-5, thị trường chứng khoán Madrid đã giảm 1,4% so với phiên giao dịch trước. Lãi suất trái phiếu 10 năm trên thị trường thứ cấp cũng tăng tới mức 5,5%. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ là dấu hiệu cho thấy rủi ro nợ công của nước này gia tăng.

Tương tự nhiều quốc gia trong vùng ảnh hưởng của bão nợ, Chính phủ Tây Ban Nha đang theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11,1% GDP xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU vào năm 2013. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là liệu Tây Ban Nha có thể vượt qua nguy cơ vỡ nợ bằng con đường cắt giảm chi tiêu và kích thích tăng trưởng kinh tế hay không trong khi quy mô các cuộc biểu tình phản đối biện pháp này ngày càng nâng cấp. Dù nhiệm kỳ cầm quyền của Thủ tướng J.Zapatero chỉ còn tính bằng tháng, song nhiều thành viên của các đảng đối lập vẫn yêu cầu một cuộc Tổng tuyển cử trước thời hạn. Nếu các chỉ số kinh tế của đất nước hơn 45 triệu dân này không nhanh chóng được cải thiện thì việc đảng Xã hội cầm quyền phải chứng kiến các cử tri trút giận lên lá phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới là điều khó có thể tránh khỏi.

Quỳnh Chi