Bài 3: Bi kịch giao thông
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:36, 25/05/2011
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư thêm nhiều nghìn tỷ đồng nữa để giải bài toán ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, nếu không có một quy hoạch tổng thể khoa học, thì khó giải quyết triệt để vấn nạn này.
Bức xúc từ những điểm đen
Không chỉ thường xuyên ách tắc vào ban ngày, ngay cả khi về đêm phải đi qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Trước 21h những ngày đầu tiên của tháng 5, thời điểm xe tải không được lưu thông trên đường Vành đai 3, rất nhiều lái xe cố tình vi phạm, băng qua ngã tư này như chốn không người. Thậm chí có những xe siêu trường, siêu trọng không chấp hành hiệu lệnh của CSGT… Thông thường, vào khoảng 21h đêm, xe tải, xe ben, xe đầu kéo và container… như từ "dưới đất chui lên, từ trên trời rơi xuống" xếp thành hàng dài làm ùn tắc cả ngã tư thuộc hạng rộng nhất nhì Thủ đô hiện nay. Hình ảnh người chiến sỹ CSGT vất vả điều tiết, phân luồng trở nên thật nhỏ bé trước dòng xe cộ khổng lồ. Trung tá Ngô Minh Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, vì nút giao thông trên quá rộng nên hằng ngày, hằng đêm, đội phải huy động gần 10 cán bộ, chiến sỹ mới bảo đảm hướng dẫn giao thông được thông suốt.
Tắc đường - một vấn nạn cần được giải quyết. Ảnh: Trung Kiên |
Còn tại nút giao thông hầm đường bộ Kim Liên, vào trước 22h ngày 3-5, thời điểm xe tải chưa được phép lưu thông trong khu vực nội đô, tổ công tác Đội CSGT số 4 đã xử lý gần 10 trường hợp xe tải vi phạm. Nhận thấy dấu hiệu bất bình thường từ hơn chục chiếc xe tải của HTX Thành Công dừng đỗ trên lòng đường Đào Duy Anh cách nút giao thông trên chừng 100m, nhưng do thuộc địa bàn Đội CSGT số 3 nên các chiến sỹ Đội 4 trực chốt giao thông tại khu hầm đường bộ Kim Liên rất khó xử lý. Đây chỉ là một trong những chiêu "cùn" của các lái xe tải nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Riêng trong đêm 5-5, những trường hợp như cố tình quên giấy phép lái xe và giấy tờ xe khi bị kiểm tra, cố tình bỏ chạy không chấp hành hiệu lệnh CSGT được nhóm PV HNM ghi nhận cũng không ít. Theo Trung úy Tú Anh, Tổ trưởng tổ công tác Đội CSGT số 4 tại nút giao thông hầm đường bộ Kim Liên: "Áp lực làm đêm của CSGT lớn hơn nhiều lần so với ban ngày bởi lượng ô tô lưu thông vào thời điểm này cũng tương đương vào những giờ cao điểm ban ngày". Nhằm bảo đảm an toàn cho người CSGT, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều được trang bị áo phản quang. Nhưng đôi khi chiếc áo bảo hộ trên vẫn không làm các lái xe e dè.
Không chỉ ở nút giao Khuất Duy Tiến, hàng loạt các công trình giao thông của Thủ đô mới đưa vào sử dụng vẫn bộc lộ những bất cập. Như công trình cầu Phù Đổng đang thành nút thắt cổ chai ngay cửa ngõ giao thông huyết mạch phía bắc Thủ đô mỗi khi trên QL1A xảy ra sự cố dù là nhỏ. Cách đó không xa, đường dẫn cầu Thanh Trì xuống QL5 cũng trở thành điểm ùn tắc cục bộ dù lượng xe hằng ngày qua lại chưa đến mức đông báo động.
Bắt được "mạch" mới bốc được "thuốc"
Theo thống kê, thiệt hại do tắc đường ở TP Hồ Chí Minh mỗi năm lên đến 13 nghìn tỷ đồng, còn ở Hà Nội là bao nhiêu? Trước năm 2000, toàn thành phố chỉ có khoảng trên dưới 40 điểm ùn tắc giao thông thì năm 2005 đã xuất hiện khoảng 70 điểm. Ùn tắc xảy ra trên diện rộng, tại hầu hết các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên…, tập trung từ những tuyến vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố, những nút giao thông trọng điểm cho đến các tuyến đường trọng điểm trong khu vực trung tâm thành phố. Tắc đường đang trở thành bi kịch ở Hà Nội. Năm 2010, sau rất nhiều nỗ lực tổ chức giao thông của các cơ quan chức năng, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội có giảm, song cũng không đáng kể. Danh sách những điểm thường xuyên ùn tắc vẫn tiếp tục dài ra, bất chấp những nỗ lực của các ngành chức năng. Theo các số liệu khảo sát mới nhất, Hà Nội hiện có tới 125 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông kéo dài, từ 45 phút đến 7 giờ liền. Vấn nạn ùn tắc giao thông gần như chưa có liệu pháp điều trị tận gốc.
Tại buổi họp lấy ý kiến các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển giao thông Thủ đô giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT trong 5 năm tới, thành phố cần tập trung nguồn lực để thực hiện một số dự án giao thông quan trọng. Trong đó, ưu tiên cho việc hoàn chỉnh các tuyến đường Vành đai 2, 3 theo hướng một phần đi trên cao, đặc biệt là đoạn tuyến Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân, đồng thời tập trung triển khai trước đoạn Vành đai 4 từ quốc lộ 32 - quốc lộ 6 và quốc lộ 6 - quốc lộ 1. Cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm như quốc lộ 1A cũ từ Văn Điển - Cầu Giẽ, quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai; quốc lộ 3 cũ… Ngoài ra, cần đầu tư một số tuyến đường giao thông khác mang tính kết nối với mạng chính, các tuyến đường tỉnh lộ: 72, 87A, 83, 82…
Sở Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch, trong đó dự trù khoản kinh phí lên tới gần 260 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết "bài toán" ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô từ nay đến năm 2015. Theo kế hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến 2015, khoản kinh phí khổng lồ trên sẽ được dùng để đầu tư xây dựng các tuyến đường quốc lộ hướng tâm, đường vành đai, cao tốc, các trục chính đô thị, các tuyến nhánh, trục liên huyện, tỉnh lộ… Nguồn vốn này sẽ được huy động từ nhiều kênh khác nhau (ngân sách, ODA, phát hành trái phiếu, xã hội hóa). Mục tiêu trong 5 năm tới phải hoàn thành việc lập và duyệt xong các quy hoạch chuyên ngành: quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050; quy hoạch mạng lưới vận tải thủy, đường sắt; quy hoạch giao thông tĩnh, vận tải hành khách công cộng... Với những giải pháp như trên, liệu chúng ta có thể yên tâm là Hà Nội đã bắt trúng "mạch" nạn ùn tắc giao thông?
Nói về nạn tắc đường tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng do chúng ta chưa có một tầm nhìn xa, một quy hoạch tổng thể vừa mang tính dài hơi, vừa sát với thực tế. Hà Nội vẫn chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào về thực trạng giao thông, đặc biệt là giao thông ở nội đô như xác định số người tham gia giao thông, tốc độ phát triển đô thị, phương tiện đang lưu thông hay mô hình phát triển dân cư có ảnh hưởng như thế nào đối với giao thông... Khi nghiên cứu cụ thể sẽ xác định được mô hình giao thông ở Hà Nội hiện đã chuẩn chưa, nếu chưa buộc phải điều tiết đưa về chuẩn. Nếu không có những hoạch định cụ thể, thì tắc đường còn là vấn nạn của Thủ đô, còn là bi kịch, kể cả có rót 260 nghìn tỷ đồng hay nhiều hơn con số này vào việc phát triển giao thông ở Hà Nội, bởi cũng như khi cơ thể phát bệnh, chúng ta phải tìm được nguyên nhân, bắt trúng "mạch" thì việc chữa trị mới có kết quả.