Kiểm soát chặt, bảo toàn nguồn vốn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 24/05/2011
Theo các chuyên gia, sự lỏng lẻo trong thẩm định hồ sơ vay vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm nghiêm trọng tại ALC II. Thế nhưng trên thực tế, để tránh những sai phạm tương tự, nhiều tổ chức tài chính đã gặp không ít khó khăn khi bảo toàn nguồn vốn nhà nước theo quy định.
Khó cả đôi đường
Cụm công nghiệp Hà Bình Phương nơi có Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm, một trong bốn dự án đủ hồ sơ để thẩm tra theo quy định. Ảnh:Bá Hoạt
Trung tuần tháng tư vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam một số cá nhân có liên quan trong vụ ALC II để làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả do Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, ALC II đã sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, năm 2009 ALC II lỗ 3.000 tỷ đồng. Hoạt động vay, cho thuê tài chính diễn ra rất sôi động trong bối cảnh kinh tế nước ta ngày càng phát triển. Để giải ngân đúng và tránh rủi ro phát sinh, tổ chức tài chính, tín dụng phải tuân thủ nghiêm các quy định khi thực thi nhiệm vụ. Song không ít vướng mắc đã nảy sinh từ thực tế.
Với chức năng huy động vốn và tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm của Hà Nội, hằng năm Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội (HANIF) giải ngân thanh toán khoảng 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách. Tuy nhiên khi thực hiện cơ chế vay ưu đãi tại HANIF với các dự án xã hội hóa đã phát sinh nhiều vấn đề. Bà Tô Thị Hạnh, Tổng Giám đốc HANIF cho biết, trong số 13 dự án đề nghị vay vốn ưu đãi tại quỹ, đến quý I-2011 chỉ có 4 dự án của 4 chủ đầu tư (CĐT) đủ hồ sơ để thẩm tra theo quy định, gồm các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động tại KCN Phú Nghĩa; xây dựng mạng lưới cấp nước; xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương; đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện tại các xã miền núi có khó khăn. Mặc dù đây là những dự án được vay ưu đãi theo quy định của Nhà nước, song quy trình thẩm tra hồ sơ vay vốn vẫn phải tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 138/CP và những quy định, hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Thẩm tra báo cáo tài chính (BCTC) của 4 dự án trên, HANIF nhận thấy một số CĐT có dự án xin vay theo BCTC có hoạt động sản xuất, kinh doanh lỗ nhiều năm liền; dự án đề nghị vay có phương án đầu tư kinh doanh lỗ và phương án bảo đảm tiền vay không bảo đảm an toàn thu hồi vốn khi có rủi ro xảy ra. Để giải quyết vướng mắc, HANIF đã báo cáo UBND TP Hà Nội, kiến nghị biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và đề nghị TP chỉ đạo các CĐT phối hợp với quỹ hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, nhiều DN có dự án được hưởng cơ chế vay ưu đãi lại cho rằng, dự án có yếu tố xã hội được vay ưu đãi không cần đáp ứng quy trình, thủ tục đăng ký vay vốn và HANIF đã gây khó khăn cho DN bằng những thủ tục phiền hà khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn. Trong khi đó, quy trình thẩm tra tài chính của các dự án vay vốn tại HANIF buộc phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Kiểm soát chặt các khoản vay?
Để chấn chỉnh hoạt động của các quỹ đầu tư phát triển tại địa phương, Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các quỹ chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về cơ chế hoạt động. Bộ nghiêm cấm cho vay sai mục đích, sai đối tượng; tăng cường thẩm định dự án, kiểm soát chặt các khoản vay để bảo đảm chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn.
Bà Tô Thị Hạnh cho biết, việc bảo đảm tiền vay tại các dự án mặc dù được thẩm tra theo đúng quy định, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra. Thực tế tại HANIF cho thấy, trường hợp Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý) vay vốn bằng quyết định hành chính của TP, không có tài sản bảo đảm tiền vay (với mục đích thanh toán cho Công ty TNHH Đại Đức Việt phần vốn góp đầu tư của công ty chuyển từ bệnh viện bán công sang công lập) là một ví dụ. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, bệnh viện đã có thu, nhưng không trả nợ vốn vay cho HANIF, dẫn đến nợ quá hạn. TP đã chỉ đạo các ngành kiểm tra, giải quyết thì bệnh viện mới trả nợ vay. Thực tế này cho thấy, Bệnh viện Hòe Nhai là đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TP mà vẫn để xảy ra tình trạng đó, thì với những DN không thuộc phạm vi này, việc theo dõi, quản lý và thu hồi vốn sẽ rất khó khăn. Trước những vướng mắc tại các dự án thuộc diện vay ưu đãi của TP Hà Nội, HANIF đã gửi công văn xin hướng dẫn của Bộ Tài chính và được hướng dẫn: Trong quá trình thẩm tra, Quỹ cần xem xét thực trạng của DN để đánh giá khả năng trả nợ của từng dự án và DN, bảo đảm khả năng thu hồi nợ khi cho vay. Những dự án có năng lực tài chính yếu, hoạt động thua lỗ, phương án đầu tư và biện pháp bảo đảm tiền vay không có khả năng hoàn vốn sẽ không được vay vốn...
Thực tế đổ vỡ của một số tổ chức tài chính, tín dụng thời gian qua cho thấy, để bảo toàn nguồn vốn nhà nước, tránh phát sinh nợ xấu, việc siết chặt hoạt động thẩm tra tài chính tại các dự án vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng là rất quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù việc kiểm soát chặt sẽ khiến nhiều DN cảm thấy khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay, song việc siết chặt các điều kiện cho vay là một trong những biện pháp giúp các tổ chức tài chính bảo toàn nguồn vốn nhà nước, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc về sau.