Vì sao không thể tiến hành đại hội cổ đông?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 24/05/2011

(HNM) - Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội được thành lập từ tháng 9-1992 trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tháng 4-2005, công ty cổ phần hóa và trong một thời gian đã hoạt động rất hiệu quả theo mô hình mới.


Theo người đại diện pháp luật tại công ty, những năm qua, sản xuất kinh doanh của công ty luôn ổn định và không ngừng phát triển. Cổ tức bình quân 5 năm qua đạt bình quân hơn 12%, trong đó năm 2010 đạt 15%.

Tuy nhiên, gần đây, công ty đang đứng trước không ít khó khăn do không tổ chức được đại hội cổ đông, công ty bị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cắt giảm đáng kể khối lượng sản xuất tà vẹt bê tông dự ứng lực. Cụ thể, năm 2011, toàn ngành đường sắt có kế hoạch sử dụng 115.775 thanh tà vẹt bê tông dự ứng lực, mặc dù có dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn nhưng công ty chỉ được phân bổ sản xuất 11.146 thanh, phần còn lại chia cho 2 đơn vị khác. Việc làm, đời sống CBCNV của công ty bị ảnh hưởng đáng kể. Dư luận CBCNV coi sự phân bổ nói trên là điều khó hiểu, bởi để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, giảm giá thành, thì cần thiết phải tổ chức đấu thầu. Trị giá số tà vẹt trên lên tới hàng chục tỷ đồng, nếu không phải là công trình cấp bách, tối cần thì việc chỉ định là không cần thiết, thiếu minh bạch.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu doanh nghiệp (DN) có lỗi. Giám đốc Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, sở dĩ chưa đại hội cổ đông là do người đại diện phần vốn nhà nước (39,42%) tại Công ty khi thực hiện các thủ tục đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát không đúng với các quy định và điều lệ của công ty. Cụ thể, khoản 2, điều 18, Điều lệ Công ty quy định: cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông liên tục 6 tháng thì được đề cử người vào HĐQT, Ban Kiểm soát. Phần vốn nhà nước (39,42%) được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao cho hai cán bộ tại công ty đại diện (một người đại diện 60%, một người đại diện 40%). Nhưng số cổ phiếu phổ thông sở hữu trực tiếp của mỗi vị nói trên chỉ là hơn 1%. Như vậy, cả hai vị này không đủ điều kiện được đề cử người vào HĐQT, Ban Kiểm soát, nhưng các ông nói trên vẫn tự đề cử cho nhau, do nghĩ rằng được cộng cả phần vốn nhà nước mà mình đại diện. Ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là một cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ nên được đề cử người vào HĐQT. Nhưng người có quyền đề cử là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại không có phiếu đề cử. Do những vướng mắc nói trên, phiên họp lần 1 diễn ra ngày 19-5-2010 bị hoãn lại. Người đại diện pháp luật công ty đã có văn bản báo cáo sự việc với HĐQT Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong văn bản trả lời do Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Bằng ký, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại cho rằng hai người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng Công ty tại Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội là đúng, phù hợp với quy định của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ở DN khác. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty có trách nhiệm phối hợp với công ty xem xét, sửa đổi Điều lệ Công ty. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Việt, các văn bản trả lời của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có nội dung trái với quy định trong Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty… Điều đó khiến hai người đại diện phần vốn nhà nước vẫn cho rằng mình hợp lệ. Quan điểm khác nhau giữa hai phía khiến một năm đã qua, sau nhiều cuộc họp, đại hội cổ đông vẫn chưa được tiến hành.

Để chứng minh cho tính hợp pháp của mình, Công ty CP Đầu tư công trình Hà Nội đã có văn bản gửi Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và cộng sự tham vấn và nhận được trả lời rằng điều lệ của Công ty là đúng luật. Điều lệ DN đang có hiệu lực thi hành phù hợp với tinh thần pháp luật Việt Nam và đã được thông qua nên tất cả cổ đông phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Các cơ quan nói trên khẳng định, đại hội cổ đông của Công ty đang thực hiện đúng Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Dù các cơ quan chức năng đã trả lời rõ ràng, nhưng ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã gây ra sự không thống nhất trong các cổ đông, cá nhân Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT nên đại hội cổ đông chưa thể tiến hành. Điều này dẫn tới khó khăn trong quản lý, điều hành DN. Công việc cũng bị cắt giảm một cách khó hiểu. Đông đảo CBCNV của công ty mong muốn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dành thời gian làm việc với công ty, đại diện cơ quan chức năng… để giải quyết dứt điểm đúng, sai, giúp DN sớm hoàn tất đại hội cổ đông để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là mong muốn chính đáng để "cởi trói" cho DN.

Một vấn đề đáng nói nữa là, trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn về đại hội cổ đông, nhưng vẫn có năng lực sản xuất tốt thì có nên cắt giảm sản lượng? Làm vậy, chỉ góp phần đẩy DN lún sâu vào khó khăn, bế tắc và người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Nhóm PVKT