Làng Phú Thị
Xã hội - Ngày đăng : 10:59, 02/01/2004
Chung linh đất Sủi ai bì
Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh
(Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự)
Làng Phú Thị tên Nôm là làng Sủi, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. “Sủi” có gốc từ âm Việt cổ "S'lủi", sau phiên âm ra chữ Hán là Thổ Lỗi. Từ thời Lý, đây là trung tâm của hương Thổ Lỗi. Không rõ từ bao giờ, làng được đổi tên thành Phú Thị. Tên xã Phú Thị xuất hiện sớm nhất trong lời văn một số tấm bia, như bia "Công đức tạo san bi" niên hiệu Dương Hoà thứ 2 (1636) hiện dựng trước đình làng.
Nói đến Phú Thị, là nói đến một làng cổ, tiện lợi về giao thông, kinh tế khá phát đạt và là làng có truyền thống hiếu học, khoa bảng với 10 người đỗ đại khoa trong khoảng 70 năm của thế kỷ XIX (1703 – 1779), trong đó họ Nguyễn Huy chiếm đông nhất : 5 người, gồm Nguyễn Huy Nhuận (đỗ năm 1703), con ông là Nguyễn Huy Dận (đỗ 1748), cháu nội (con Huy Dận) là Nguyễn Huy Cận (1760); anh em hàng chú bác ruột của Nguyễn Huy Nhuận là Nguyễn Huy Mãn (1721), Nguyễn Huy Thuật (1733). 5 tiến sĩ còn lại là (Đoàn Quang Dung hay Bá Dung, đỗ năm 1710), Cao (Cao Dương Trạc, 1715), Trịnh (Trịnh Bá Tướng, 1721), Trần (Trần Huy Liễn, 1779) và Nguyễn Xuân (Nguyễn Xuân Hàn, cùng năm 1779).
Trong số các tiến sĩ của làng Sủi, có 4 người ở xóm Giữa (Nguyễn Huy Nhuận, Cao Dương Trạc, Đoàn Quang Dung, Trịnh Bá Tương) cùng làm Thượng thư, cùng tham gia vào những chính sách lớn của triều đình Lê - Trịnh trong gần 10 năm từ giữa thập kỷ 30 đến đầu thập kỷ 40 thế kỷ ". Câu ngạn ngữ “Nhất môn tam tiến si, đồng triều tứ thượng thư” và câu catrong Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự“Chung linh đất Sủi ai vì, Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh” xuất xứ từ đây. Có 2 người (Nguyễn Huy Nhuận, Đoàn Bá Dung) phụng mệnh đi sứ. Trong số các tiến sĩ làng Sủi, sử sách nhắc nhiều đến Nguyễn Huy Nhuận, làm quan đến Tham tụng (Tể tướng), là một trong 5 vị "Phụng thị ngũ lão" (về hưu mà vẫn được vời ra giúp triều chính) của triều Lê - Trịnh, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (1723). Năm 1728, được cử lên Tuyên Quang nhận đất do nhà Thanh trả lại cho ta. Ông cùng các sứ thần nhà Lê - Trịnh xông pha lăn lộn những nơi lam chướng, hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đồ Chú mà một số quan lại địa phương nhà Thanh cố tình làm lệch mốc, bèn dựng bia ở nơi giáp giới. Từ đấy, cương giới hai bên mới ổn định..
Ngoài 10 tiến sĩ, làng Sủi còn có gần 20 Hương cống thời Lê, 5 Cử nhân thời Nguyễn. Trong số họ, có Nguyễn Huy Lượng từng nổi tiếng với bài Tây Hồ phú, Cao Bá Quát nổi tiếng về thơ văn.
Phú Thị còn là quê của Ỷ Lan phu nhân, một phụ nữ nổi tiếng thời Lý. Bà tên thật là Lê Thị Khiết, có tài chính sự. Hiện ở làng có đình thờ, đền thờ bà, cùng ngôi chùa tương truyền do bà cho xây dựng là cụm di tích lịch sử văn hóa có giá trị.
Lễ hội hàng năm của làng (hội đền) được tổ chức từ 1 đến 15 tháng 3, trong hội có lễ thức “Bông sòng” nhằm minh oan cho nhân vật Nguyễn Bông, có lễ thức đọc Mục lục (do Tiến sĩ Nguyễn Huy Cận sáng tác) ca ngợi cảnh đẹp, trù phú, truyền thống khoa bảng của làng.