Rộn ràng khắp mọi nẻo đường Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 23/05/2011

(HNM) - Chủ nhật ngày 22-5-2011 là một ngày đặc biệt với cử tri cả nước và TP Hà Nội. Nắng vàng rực rỡ, đường phố sạch đẹp, phong quang, lộng lẫy khẩu hiệu, cờ hoa như khoác cho Thủ đô yêu quý một tấm áo mới trong ngày hội của niềm tin yêu và sự kỳ vọng.

Niềm tự hào, tình yêu Tổ quốc như trào dâng trong mỗi con tim. Hơn 4 triệu cử tri của Hà Nội cùng hơn 62 triệu cử tri của cả nước đã tham gia cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay.

Chọn người tâm huyết, hết lòng vì nước, vì dân


Cử tri xem danh sách các ứng cử viên tại khu vực bỏ phiếu số 5, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.    Ảnh: Nguyệt Ánh


Bắt đầu ngày mới, các khu vực bỏ phiếu (KVBP) từ nội thành đến ngoại ô đã nhộn nhịp những bước chân của cán bộ, nhân dân tham gia phục vụ bầu cử. Tại KVBP số 3 phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Tổ trưởng Tổ bầu cử khu dân cư số 5 và số 6 chia sẻ: "Hôm qua gần 12h đêm chúng tôi mới về đến nhà, nhưng 5h sáng nay đã có mặt. Mình muốn mọi việc phải thật tốt". Cũng với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, ông Bùi Thế Cảnh, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 6 phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Đây là KVBP bên Bờ Hồ, nơi có nhiều du khách quốc tế, nên chúng tôi càng phải chú ý tổ chức sao cho thật trang trọng".

Đó là hai trong số hàng ngàn cán bộ, đảng viên, công dân đã tham gia phục vụ để 4.772 KVBP trên toàn địa bàn Hà Nội hôm qua đều được trang trí rực rỡ. Mỗi người mỗi việc, tất cả đều được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhưng vui nhất, giàu cảm xúc nhất có lẽ là những cử tri lần đầu được cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Bày tỏ niềm tự hào lần đầu tiên đi bầu cử, lại ở cùng KVBP với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (KVBP số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), bạn Nguyễn Hồng Hạnh cho biết: "Em rất vui và tự hào. Em tin là với sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới của cả hệ thống chính trị, đất nước mình sẽ ngày càng phát triển". Tại KVBP đền Thọ Chỉ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, bạn Nguyễn Thị Kim Dung (lớp 12 A Trường THPT Trương Định) má ửng hồng rạng rỡ bày tỏ: "Từ sáng sớm em đã tới đây đọc kỹ danh sách và tiểu sử của các ứng cử viên để có quyết định cho mình. Em mong rằng những người trúng cử sẽ quan tâm và có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo nhiều hơn". Hào hứng nhất là các bạn sinh viên. Mặc dù chưa được cấp thẻ cử tri, nhưng với giấy giới thiệu của trường, nhiều bạn đã chủ động đến các khu vực bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân. 7h15, tại KVBP số 1, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, hai sinh viên Ngô Thị Nhận và Trương Thị Khánh Huyền, đều sinh năm 1992, là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học GTVT, đã được Ban tổ chức cấp thẻ cử tri và hướng dẫn bầu cử. Sau khi bỏ phiếu, hai bạn trẻ cho biết: "Chúng em thấy cuộc bầu cử rất dân chủ, các cán bộ tổ chức đã rất linh hoạt thực hiện Luật Bầu cử để bảo đảm quyền lợi của cử tri".

Không chỉ nhiệt tình tham gia tổ chức bầu cử, nhiều cụ cao niên 80-90 tuổi, thậm chí 100 tuổi vẫn vẹn nguyên niềm xúc động khi đi bầu cử như những năm tháng cách mạng. Tại Tổ bầu cử số 5, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, hình ảnh nhiều cử tri cao tuổi cùng hát vang bài Quốc ca đã khiến tất cả những người có mặt rất xúc động. Các cụ Trần Thị Thục, Vũ Thị Nhữ và hai cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng Phan Văn Hiến, Lê Thị Thành sau khi bỏ phiếu đều dành thời gian trò chuyện với những người trẻ tuổi, chia sẻ cảm xúc của mình về 13 lần đi bầu cử Quốc hội. Cụ Phan Văn Hiến, tuy đã ở tuổi 91 nhưng còn rất minh mẫn. Đọc rất kỹ tiểu sử của các ƯCV, cụ chia sẻ: "6h sáng tôi đã có mặt ở đây để chờ đến lượt thực hiện quyền công dân của mình. Tôi đã có sự lựa chọn cho mình, đó là người có tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng vì nước, vì dân".

Không có được niềm vui như bao người khác, rất nhiều cử tri Thủ đô vì lý do bất khả kháng về sức khỏe phải bỏ phiếu tại nhà hoặc tại bệnh viện. Tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, đúng 9h30 phút, bệnh nhân đầu tiên ở Bệnh viện 09 được bỏ lá phiếu vào hòm phiếu phụ do tổ bầu cử thôn sở tại mang đến. Đây là bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Chị Nguyễn Thị Hồng - một trong 67 bệnh nhân tham gia bầu cử tại đây cho biết: "Em hy vọng những người được bầu quan tâm đến những người mắc bệnh hiểm nghèo như em nhiều hơn".

Mỗi cử tri một cảm xúc. Tất cả đã làm nên ngày bầu cử thành công với bao niềm vui, sự sẻ chia, niềm tự hào và lòng tin tưởng vào tương lai đất nước sẽ ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Trách nhiệm với lá phiếu bầu cử

Cùng với hơn 4 triệu cử tri của toàn TP, nhân dân các dân tộc khu vực ngoại thành Hà Nội đã nô nức đi bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. Có mặt ở miền sơn cước Ba Vì, Sóc Sơn, các xã vùng sâu, vùng xa huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Mê Linh... nhóm PV Hànộimới đã ghi nhận không khí trang nghiêm, tâm trạng háo hức, tin tưởng của mỗi cử tri gửi vào lá phiếu, bầu người đại diện quyền lợi cho mình.

Ở xã An Phú (Mỹ Đức), ai ai cũng thức dậy sớm hơn mọi ngày, háo hức mong sớm đến giờ bầu cử để được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Tại trụ sở UBND xã, tin vui từ các tổ bầu cử liên tục được cập nhật. Đến 8 giờ sáng, toàn bộ cử tri Tổ bầu cử số 9, thôn Rộc Éo đã hoàn thành việc bỏ phiếu xong sớm nhất huyện Mỹ Đức. Đây là thôn vùng sâu, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, có gia đình cách địa điểm bầu cử đến 4km. Vậy nhưng tất cả đã không quản ngại khó khăn, tham gia vào cuộc bầu cử ''4 trong 1'' với tinh thần trách nhiệm cao trước quê hương, đất nước. Cùng thời điểm này, tại các thôn như Đồng Chiêm, Phú Thanh, Nam Hưng, Thành Hà, Gốc Báng, Bơ Môi, số lượng cử tri hoàn thành việc bầu cử khá cao từ 70% đến 95%. Có những thôn vùng xa như Thanh Hà, cử tri dậy từ 5h sáng, vượt 7km đường dốc tới điểm bầu cử dự lễ khai mạc và chọn đại biểu ưu tú nhất bầu vào ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp. Tại Tổ bầu cử số 7, thôn Gốc Báng, sau khi bỏ phiếu, cử tri Chu Văn Ngôn (dân tộc Mường) gửi gắm niềm tin các đại biểu mình đã lựa chọn, quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa đến việc xóa đói, giảm nghèo và các vấn đề an sinh xã hội của đồng bào dân tộc miền núi.

Tại xã Hợp Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Chu Đức Trí cho biết, Hợp Thanh là một trong những địa phương có số giáo dân đông nhất huyện Mỹ Đức (khoảng 47%). Bà con đã đi bầu cử để thực hiện nghĩa vụ của mình từ rất sớm. Giáo dân Chu Ngọc Trác, thôn Ải, xã Hợp Thanh bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn các đại biểu trúng cử quan tâm hơn đến kiến thiết xây dựng nông thôn mới, tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để cuộc sống người dân ngày thêm giàu có; đồng thời quan tâm hơn đến lớp người cao tuổi". Bí thư Đảng ủy Chu Đức Trí cho hay, cuộc bầu cử lần này, xã Hợp Thanh có 8.300 cử tri tham gia, đến 9h30 phút, tại 9 tổ bầu cử đã có gần 75% số cử tri tham gia bầu cử. Đây là địa phương có số cử tri tham gia bầu cử lớn nhất huyện Mỹ Đức.

Xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) là nơi có đông đồng bào công giáo sinh sống. Tiếp xúc với chúng tôi, Trưởng ban Hành giáo họ giáo Tình Lam (xã Đại Thành) Nguyễn Văn Lừng xúc động: "Linh mục và các giáo dân chúng tôi rất phấn khởi cầm lá phiếu để làm tròn trách nhiệm công dân". Theo ông Lừng, ngoài tiếp nhận thông tin về công tác chuẩn bị bầu cử trên đài phát thanh - truyền hình, linh mục cũng như các trưởng ban Hành giáo thường xuyên tuyên truyền vận động giáo dân trong xứ đi bầu cử sớm, bầu đủ.

Con đường Tỉnh lộ 414 và 415 chạy từ thị xã Sơn Tây về các xã miền núi Ba Vì thênh thang, rực sắc đỏ cờ hoa. Tại Khu vực bỏ phiếu số 6, bản Lặt, xã Minh Quang (huyện Ba Vì), vừa thực hiện quyền công dân, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Tha, phấn khởi: "Đồng bào dân tộc xã Minh Quang rất tự hào đón ngày hội, một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Bà con các dân tộc Mường, Dao, Kinh sinh sống trong hòa thuận, cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt". Lời Bí thư Nguyễn Tiến Tha được minh chứng bằng những hình ảnh đẹp từ những con đường giao thông rộng rãi nối về các làng, bản xa xôi; những ngôi trường vừa xây mái ngói còn đỏ tươi...

9h sáng, tại khu vực bỏ phiếu số 6 xã Minh Quang, cụ Nguyễn Thị Gián, năm nay 97 tuổi tâm sự: "Tôi vừa hoàn thành quyền, nghĩa vụ công dân. Tôi tin tưởng đã lựa chọn được đại biểu ưu tú, đủ đức, đủ tài, làm tròn trách nhiệm đại diện cho người dân các dân tộc miền núi". Xã Minh Quang có 8.452 cử tri, trong đó người dân tộc Mường chiếm 45%. Đến 10h sáng, thống kê tại khu vực bỏ phiếu số 6 xã Minh Quang với gần 1.000 cử tri tham gia bầu cử, đã có khoảng 90% cử tri bỏ phiếu. Huyện Ba Vì có hơn 192 nghìn cử tri, trong đó có 22 nghìn cử tri đồng bào dân tộc Mường, Dao và một xã đảo Minh Châu. Hết giờ sáng qua, hầu hết các xã miền núi huyện Ba Vì cử tri đã đi bỏ phiếu đạt từ 80 đến 90%.

Từ huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, ngược lên Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Đan Phượng, trên các nẻo đường, cờ hoa, biểu ngữ được trang hoàng tươi mới. Ông Trần Xuân Lễ, Trưởng ban kiêm Tổ trưởng Tổ bầu cử ở khu dân cư Đông Ngạc 10, xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) cho biết, trước bầu cử, nhiều hình thức tuyên truyền được thực hiện đồng bộ nên cử tri đã có sự chọn lựa kỹ càng, ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của lá phiếu bầu. Xuôi về huyện Mê Linh, tại xã Tiền Phong, có hàng trăm cử tri công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tham gia bỏ phiếu. Cử tri Nguyễn Thị Ánh, xóm Hồ (xã Tiền Phong) chia sẻ: "Tôi mong những ĐBQH và ĐB HĐND các cấp trúng cử lần này hãy biến chương trình hành động của mình thành thực tiễn; lời nói đi đôi với việc làm"…

Cử tri ngoại thành Hà Nội tin tưởng, ĐBQH, HĐND các cấp trúng cử lần này sẽ đem hết tâm trí phục vụ lợi ích của nhân dân. Niềm tin đó đã được đặt vào từng lá phiếu bầu của cử tri trong ngày hôm qua 22-5.

Nhóm PV Hànộimới