Trở về từ Tân Trào

Giới trẻ - Ngày đăng : 09:02, 22/05/2011

LTS: Trần Huy Liệu sinh năm 1901 ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, mất năm 1969 tại Hà Nội khi đang làm Viện trưởng Viện Sử học. Năm 1929 ông trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, đến năm 1936 chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II, III, điều hành tờ báo của Quốc hội kháng chiến.



LTS: Trần Huy Liệu sinh năm 1901 ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, mất năm 1969 tại Hà Nội khi đang làm Viện trưởng Viện Sử học. Năm 1929 ông trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, đến năm 1936 chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa II, III, điều hành tờ báo của Quốc hội kháng chiến. Sau loạt bài "Gương sáng cho đời sau" đăng trên Báo Hànộimới số ra từ ngày 16 đến 20-5-2011, chúng tôi giới thiệu vài sự kiện, tư liệu có liên quan đến ông Trần Huy Liệu để bạn đọc có thêm cơ sở hình dung bối cảnh ra đời của Quốc hội đầu tiên.

Trong các ngày 16 và 17-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, Quốc dân Đại hội Tân Trào (tên ban đầu là "Đại hội đại biểu quốc dân") diễn ra, quyết định cao trào giải phóng dân tộc, "lập nên một Chính phủ cách mạng… theo tinh thần dân chủ". Theo Văn kiện Quốc hội toàn tập (tập 1, NXB Chính trị quốc gia, 2006) viết: "Có thể nói Quốc dân Đại hội Tân Trào như là một Quốc hội lâm thời hay là một tiền Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời chế độ dân chủ cộng hòa của nước ta và một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới". Đây là một đánh giá quan trọng về sự kiện trên, diễn ra khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh và chính quyền đương nhiệm ở các đô thị, vùng đồng bằng… rối ren, yếu ớt.

Ánh sáng phát ra từ rừng Tân Trào cần phải đến với quần chúng đang chán ghét cuộc sống một cổ mấy tròng, trải qua nạn đói thê thảm, để hướng tới sự thay đổi lớn. Tình hình diễn biến rất khẩn trương. Ủy ban Khởi nghĩa thành lập. Trần Huy Liệu kể lại trong hồi ký (NXB Khoa học xã hội, 1991):

"Đêm 13-8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù của những con tầm xuân, con thiêu thân bay tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh mất nước, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc "nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân"… Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo ra một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn. Nhìn anh tôi nghĩ đến những ngày gặp nhau ở Báo Le Travail, tôi mỉm cười nghĩ thầm: Chàng "bạch diện thư sinh" này đã trở thành một viên tướng rồi ư? Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động".

Từ Tân Trào, Trần Huy Liệu về xuôi. Qua nẻo sông Cầu ở Thái Nguyên đi thuyền về Bắc Ninh, ông đi trong khung cảnh "đê vỡ, ngập lụt mênh mông, nhưng tiếng trống, tiếng hát Tiến quân ca vẫn vang lên từ các lũy tre". Áng chừng 20-8 thì về tới Hà Nội. Công việc những ngày đầu của Chính phủ lâm thời cực kỳ bề bộn. Ủy ban Hành chính Trung bộ đề nghị Chính phủ lâm thời phái đại biểu vào nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Đang bận tối mắt thì có quyết định vào Huế, đoàn có Nguyễn Lương Bằng thay mặt Mặt trận Việt Minh, Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ lâm thời. "Tại Bắc Bộ phủ bấy giờ có một đống quần áo Tây của những người có lòng tốt quyên giúp, chúng tôi đến chọn mỗi người một bộ… Đó là một đống lộn xộn, bừa bãi, tự do lục tung lên. Các anh Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận đều chọn được bộ quần áo tương đối thích hợp, chỉ có tôi lùn tịt và gầy nhom tìm mãi mới được một bộ tờ-rô-pi-can chẳng biết của vị "tiền nhân" nào để lại, đã hơi cũ, đem mặc thử thì thân hơi rộng, tay hơi ngắn. Nhưng nếu còn chê nữa thì cũng chả có bộ nào khá hơn"... "Chuyến vô Huế khởi hành từ Hà Nội ngày 25-8. Ngày 30-8, năm vạn người tập trung trước Ngọ Môn. Bảo Đại chít khăn vàng, mặc hoàng bào đọc chiếu thoái vị, trao kiếm dài nạm ngọc, ấn hình vuông, túi gấm đựng bộ quân cờ ngọc cho đại diện Chính phủ lâm thời. Chiếc ấn nặng tới 7 kilôgam vàng… tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước… phải cố gắng vận hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu… Tôi càng giơ ấn kiếm lên, đưa đi đưa lại thì dân chúng càng hoan hô… nhảy chồm lên tung mũ nón… trong khi hai cánh tay tôi như muốn rời ra".

Tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 6-1-1946, Thủ đô Hà Nội có 6 đại biểu trúng cử vào Quốc hội khóa I: Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên. Danh sách đại biểu có nhiều dân tộc, đảng phái, thành phần, thế hệ, cho thấy chính sách đại đoàn kết toàn dân của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Vương Chí Thành (Hà Giang), Dương Đức Hiền (Bắc Ninh), Bồ Xuân Luật (Hưng Yên), Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Đình Thi (Hải Phòng). Trần Huy Liệu trúng cử ở thành phố Nam Định, cùng cụ Nguyễn Văn Tố. Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định bấy giờ có khá nhiều gương mặt trí thức, như nhà Nho Bùi Trình Khiêm, các ông Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Đoàn Phú Tứ. Nam bộ góp mặt với các đại biểu Huỳnh Văn Tiểng, Tôn Đức Thắng (Sài Gòn - Chợ Lớn), Thái Văn Lung (Gia Định), Dương Bạch Mai (Bà Rịa), Ung Văn Khiêm (Long Xuyên)…

Sau kỳ Quốc hội mở rộng thêm không qua bầu cử, Việt Nam Quốc dân Đảng có mặt 50 đại biểu; con số bên Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội là 20. Là người của Việt Minh trong Quốc hội, ở cương vị Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền, Trần Huy Liệu có những đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết chung, bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cuộc chiến tranh đang ngày càng khó tránh khỏi. Từ tháng 8-1945 đến sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, thời gian không dài, đất nước trải qua những biến động to lớn, hiểm nghèo. Với tư cách trực tiếp tham gia, vừa là chứng nhân của một thời kỳ cách mạng có ý nghĩa bước ngoặt, ông dần dần chuẩn bị cho mình một "tư thế" để năm 1953, trở thành nhà khoa học, lập ra Ban Nghiên cứu Sử - Địa - Văn, sau khi về Hà Nội thành "Ban Văn - Sử - Địa", tiền thân của Viện Khoa học Xã hội ngày nay.

Hoàng Định