Đà mới cho cỗ xe tam mã

Thế giới - Ngày đăng : 08:58, 22/05/2011

(HNM)- Giữa lúc Nhật Bản đang ngổn ngang với công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa kép siêu động đất và sóng thần cũng như một loạt hệ lụy từ sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc lần thứ tư vẫn diễn ra tại thủ đô Tokyo trong hai ngày cuối tuần (21 và 22-5).



Chiều 21-5, ba nhà lãnh đạo Nhật - Trung - Hàn đến thăm tỉnh Fukushima, thưởng thức nông sản tại đây để trấn an dư luận về nguy cơ thực phẩm nhiễm phóng xạ.
Ảnh: Reuters


Như Thủ tướng nước chủ nhà, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc đều mang đến cuộc gặp cấp cao thường niên này những thách thức khác nhau về tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước. Dù đã nỗ lực rất nhiều trong khắc phục thảm họa, nhưng sức ép từ chức vẫn dồn tới Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã chính thức rơi vào suy thoái. GDP của xứ Mặt trời mọc đã giảm 0,9% trong 3 tháng đầu năm kéo theo tăng trưởng của cả tài khóa (kết thúc ngày 31-3-2011) xuống mức âm 3,7%. Không lạc quan hơn Thủ tướng Naoto Kan, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng vừa phải cải tổ nội các lần thứ sáu liên tiếp kể từ khi nhậm chức năm 2008 đến nay nhằm giành lại uy tín của cử tri sau khi đảng Đại dân tộc cầm quyền thất bại trước Liên minh Dân chủ - đảng đối lập tại Hàn Quốc - trong các cuộc bầu cử bổ sung cuối tháng 4 vừa qua. Còn với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, bài toán kiềm chế lạm phát vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng đang gây thêm áp lực cho Chính phủ Trung Quốc khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới vẫn tăng đến chóng mặt.

Song gác lại những bộn bề lo toan, cuộc gặp tại Tokyo vẫn được xem là cơ hội quan trọng để ba nhà lãnh đạo Nhật - Trung - Hàn tìm ra hướng phát triển mới cho hợp tác ba bên; bàn thảo sâu rộng về những vấn đề nóng trong khu vực cũng như quốc tế cùng quan tâm. Sự có mặt của Tổng thống Lee Myung-bak và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại tỉnh Fukushima - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nhất sau thảm họa ngày 11-3 vừa qua - trước khi tham dự lễ khai mạc chính thức tại Tokyo chiều 21-5 cho thấy, hội nghị này mang ý nghĩa hết sức đặc biệt - như biểu tượng của tình đoàn kết của hai quốc gia láng giềng Trung - Hàn với Nhật Bản - nhằm hướng đến mục tiêu phát triển chung của cả khu vực Đông Á. Điều quan trọng hơn, sự hợp tác chặt chẽ ba bên được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho tiến trình hình thành cộng đồng Đông Á trong tương lai gần.

Diễn ra vào thời điểm nước Nhật vừa trải qua thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử kể từ năm 1923 đến nay, sự hợp tác khu vực nhằm ứng phó với thảm họa tự nhiên và nguy cơ rò rỉ phóng xạ đã trở thành chủ đề nóng lần đầu tiên được bàn thảo tại cuộc gặp cấp cao ba bên lần này. Mặc dù lộ trình mới về việc khắc phục sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đã được Chính phủ Nhật Bản công bố với thời gian biểu cụ thể, nhưng sự sát cánh của Trung Quốc và Hàn Quốc với Nhật Bản trong ứng phó với sự cố rò rỉ phóng xạ cực kỳ phức tạp tại Nhà máy Fukushima vẫn rất cần thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là thách thức riêng của Nhật Bản mà còn là mối nguy chung của toàn khu vực về một thảm họa hạt nhân tương tự có thể xảy ra sẽ được các nhà lãnh đạo ba nước bàn thảo tại cuộc gặp thường niên này.

Là những nền kinh tế hàng đầu thế giới (chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, hơn 70% tổng lượng kinh tế và khoảng 2/3 tổng giao dịch thương mại của khu vực châu Á), cuộc gặp cấp cao tại Tokyo được xem là cuộc lấy đà mới của cỗ xe tam mã Đông Á với kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho khu vực và cả nền kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Đến nay hợp tác Nhật - Trung - Hàn đã thiết lập được 17 cơ chế hội nghị cấp bộ trưởng cùng một loạt các văn kiện hợp tác đã ký kết. Đặc biệt ba bên đã ký Bản ghi nhớ thành lập Ban thư ký hợp tác tay ba khi quyết định trong năm nay sẽ chính thức thành lập ban này ở Hàn Quốc. Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp Tokyo càng có ý nghĩa trong thúc đẩy hợp tác ba đầu tàu kinh kế ở Đông Á.

Quan hệ Nhật - Trung - Hàn đang bước vào giai đoạn phát triển mới khi năm 2012 là năm đánh dấu 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung - Nhật và 20 năm thiết lập quan hệ Trung - Hàn. Điều này càng quan trọng hơn khi tiến trình hình thành cộng đồng Đông Á đang dần định hình với cuộc hợp lực không thể thiếu của ba nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Vì thế, gác lại những bất đồng để hướng tới mục tiêu phát triển chung sẽ là nội dung nghị sự chính của hội nghị cấp cao lần này tại Tokyo.

Đình Hiệp