Không thể “thắt” quá mức, “thả” quá nhanh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 21/05/2011

(HNM) - Chính sách tiền tệ

Việc điều chỉnh linh hoạt các chính sách sẽ góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Ảnh: Linh Tâm


Theo nhiều chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải kiên định mục tiêu chống lạm phát, nhưng cũng cần linh hoạt hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng khó khăn và tránh điều hành theo kiểu "thắt" quá mức, rồi bất ngờ "thả phanh". Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Để lãi suất thực dương, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền 17-18%/năm. Trên thực tế, từ lâu các ngân hàng đã vay mượn của nhau trên mức trần cho phép (có lúc tới hơn 22%/năm). Vậy, không có lý gì lại cấm ngân hàng vay từ người dân hơn 14%/năm. Mức trần hiện nay căn cứ vào đâu? Nếu không có cơ sở, một số ngân hàng sẽ phá trần, mà chuyện này đã xảy ra. Không ít ngân hàng cổ phần vẫn ghi đúng trần trong sổ huy động tiết kiệm của khách hàng, nhưng lại có hợp đồng phụ lục kèm theo thêm lãi suất 1,5-5%, hay giá trị quà tặng tương đương tùy theo số tiền gửi của khách hàng. Nguy hại của việc phá trần lãi suất huy động là ở chỗ một số ngân hàng không chấp hành chính sách, việc này không chỉ dẫn đến sự suy giảm niềm tin vào chính sách, mà còn khiến hệ thống ngân hàng không minh bạch. Có thể đặt câu hỏi, nếu trong sổ tiết kiệm vẫn ghi lãi suất 14%, nhưng thực tế trả 16,5-20% thì ngân hàng sẽ hạch toán ra sao? Và đương nhiên, một số ngân hàng sẽ tạo ra hệ thống báo cáo mới để ngụy biện cho sự không minh bạch này. Tuy nhiên, không ít người lo ngại, nếu bỏ trần lãi suất sẽ tạo cớ để các ngân hàng nâng lãi suất lên cao. Nhưng trên thực tế, không phải ngân hàng muốn đẩy lên là được, bởi lãi suất lên cao là do cung - cầu thị trường. Khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng nhỏ cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn. Các ngân hàng lớn có nhiều nguồn vốn giá rẻ, như tiền gửi của kho bạc, trái phiếu Chính phủ, tiền gửi không kỳ hạn của các tập đoàn nhà nước, hay các hợp đồng giải ngân vốn ODA. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ uy tín thấp, phải chấp nhận huy động với lãi suất cao hơn. Ngoài tiền gửi tiết kiệm của người dân với lãi suất rất cao hiện nay, những ngân hàng này chỉ có ít tài khoản tiền gửi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà các doanh nghiệp này vốn ít, nên cũng không có nhiều tiền để gửi.

Cũng theo nhiều chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước nên quan tâm đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Nếu thị trường liên ngân hàng ổn định, thì thị trường tiền tệ sẽ ổn định. Hiện nay, lãi suất các ngân hàng cho nhau vay đã chênh quá xa so với lãi suất cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở. Lạm phát lập đỉnh vào tháng 4 và có khả năng giảm xuống còn 15% vào cuối tháng 5. Như vậy, nếu các ngân hàng huy động với lãi suất 16-17% là đủ thực dương và cho vay khoảng 20% là chấp nhận được. Nhưng, có ngân hàng đã đưa lên tới 25%, cao hơn cả thời kỳ 2008, cao nhất trong những năm qua. Với lãi suất này, nhiều doanh nghiệp không kham nổi. Song, vấn đề ở đây không phải lãi suất cao bao nhiêu, mà là chính sách tiền tệ hiện nay có "thắt chặt" quá mức cần thiết? Lãi suất thị trường tăng cao là do các ngân hàng nhỏ thiếu vốn. Hiện, vốn Ngân hàng Nhà nước bơm ra trên thị trường mở chủ yếu rơi vào các ngân hàng lớn, các ngân hàng này lại cho các ngân hàng nhỏ vay với lãi suất cao. Vì thế, ngân hàng nhỏ tăng lãi suất lên là chuyện khó tránh khỏi. Do đó, việc cần làm hiện nay là hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ để họ không phải huy động với lãi suất quá cao, trên cơ sở có những điều kiện ràng buộc để bảo đảm vốn bơm ra sẽ thu hồi được. Mặt khác, việc điều hành phải linh hoạt, "thắt chặt" hay "nới lỏng" phải hài hòa trong năm, tránh tình trạng lúc "thắt" thì quá mức, rồi đến khi "thả" lại quá nhanh, gây hệ lụy cho doanh nghiệp.

Thắng Ngọc