Ngoại thành Hà Nội: Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 21/05/2011
Các khu vực bỏ phiếu cũng hoàn thành khâu trang trí, khánh tiết, phương án phục vụ, sẵn sàng cho ngày hội non sông.
Băng cờ, khẩu hiệu chào mừng bầu cử tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Thái Hiền |
Hoàn tất khâu chuẩn bị
Chủ tịch UBND xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) Lê Quang Hiếu dẫn chúng tôi thăm 9 khu vực bỏ phiếu của xã được bố trí ở các nhà văn hóa thôn, với đầy đủ cờ, khẩu hiệu, băng rôn, các biển hiệu hướng dẫn cử tri, tiểu sử ứng cử viên… Ngoài khu vực bỏ phiếu, ở các hộ dân đều treo cờ Tổ quốc. Đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp phong quang, tạo không khí trang trọng cho ngày hội lớn. Xã cũng chuẩn bị một xe cổ động để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu sớm, bầu đủ, góp phần vào thắng lợi của ngày bầu cử tại địa phương.
Thành công của ngày bầu cử thể hiện ở tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao và kết quả bầu cử bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu ĐBQH và HĐND các cấp. Vì vậy, ngoài tuyên truyền Luật Bầu cử thông qua đài truyền thanh, 15 hội nghị giao ban với 41 khu dân cư, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thị trấn Đông Anh Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, thị trấn còn tổ chức một hội nghị phổ biến những điều cần thiết cho hơn 300 cử tri đi bỏ phiếu lần đầu. Thẻ cử tri được các thành viên tổ bầu cử trao tận tay cử tri kèm theo lời nhắc nhở về thời gian khai mạc, thời gian kết thúc và địa điểm bỏ phiếu.
Ở huyện Thanh Trì, tại 130 tổ bầu cử (trong đó có 6 tổ của lực lượng vũ trang, 1 tổ trường học) đã cấp phát thẻ đến 149.000 cử tri. Ngoài 172 hòm phiếu chính, huyện còn cấp thêm 130 hòm phiếu phụ cho các tổ bầu cử. Hòm phiếu này sẽ được mang đến tận nhà các cử tri tuổi cao, sức yếu, không đến được điểm bỏ phiếu. Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Thanh Trì Phạm Quang Hiếu cho biết, tuần vừa qua, các xã, thị trấn một lần nữa phổ biến Luật Bầu cử cho những người làm công tác phục vụ bầu cử. Bên cạnh đó là tập huấn nghiệp vụ kiểm phiếu cách lập hồ sơ bầu cử, việc nhận và đóng dấu phiếu bầu cử…
Niềm tin và sự kỳ vọng
Đến Yên Bình (Thạch Thất), một trong bốn xã của Hòa Bình mới hợp nhất về Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử và niềm hân hoan của người dân nơi đây. Bí thư Đoàn xã Đặng Hồng Ngọc, một trong những người trẻ tuổi tham gia ứng cử ĐB HĐND xã cho biết, tuy mới 33 tuổi, nhưng anh không phải là ứng cử viên trẻ tuổi nhất. Danh hiệu này thuộc về chị Trần Thị Bích Ngọc, sinh năm 1986, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Thung Mộ. Trong kỳ bầu cử này, cả 6 thôn trong xã, thôn nào cũng có đại biểu nữ. "Phụ nữ đã chứng tỏ họ không hề thua kém nam giới trong các hoạt động và nhân dân giờ đây rất tin tưởng để trao nhiệm vụ cho họ" - anh Ngọc cho biết. Là một xã miền núi, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, vì vậy cử tri xã Yên Bình mong muốn các ĐB sau khi trúng cử sẽ đặc biệt lưu tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương, trong đó chú trọng đến làm đường giao thông, kiên cố hóa hệ thống mương thoát nước. Cử tri cũng mong TP có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số 4 xã của Hòa Bình mới sáp nhập về Hà Nội sẽ tốt hơn.
Không riêng về cơ cấu, dư luận nhân dân các huyện ngoại thành đánh giá cao trình độ của các ứng cử viên. Đã nhiều lần đi bầu cử, ông Hoàng Văn Đăng ở tổ bầu cử số 6, thị trấn Đông Anh nhận xét, công tác chuẩn bị nhân sự cho kỳ bầu cử này rất tốt; trình độ chuyên môn của các ứng cử viên khá đồng đều. Người dân ghi nhận tính dân chủ của cuộc bầu cử lần này, với số dư cao, tạo điều kiện cho cử tri có sự lựa chọn. Theo đó, mỗi cử tri sẽ nghiên cứu tiểu sử của hơn 20 ứng cử viên để bầu ra ít nhất 12 ĐBQH, HĐND các cấp. Việc tổ chức bầu cử 4 cấp cùng một ngày cũng sẽ tiết kiệm thời gian, kinh phí, để có thêm nguồn lực chăm lo đời sống dân sinh. Các ứng cử viên đều xứng đáng trở thành ĐBQH, ĐB HĐND các cấp. Cử tri tin tưởng, mỗi ứng cử viên dù trúng hay không trúng sẽ làm tốt nhiệm vụ, cương vị công tác đảm trách.