Chống lạm phát, không gây sốc
Bất động sản - Ngày đăng : 07:08, 20/05/2011
Kiểm soát dòng vốn đầu tư
Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Khánh Nguyên
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ cho vay BĐS chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Tính đến ngày 31-12-2010, tổng dư nợ cho vay BĐS là 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng thời điểm của năm 2009 (tương đương với mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%). Tuy phân định được tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại BĐS thiết yếu và không thiết yếu dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, dẫn đến thị trường "bong bóng", khi bão hòa sẽ dễ gây ra đổ vỡ. Ngoài ra, việc cho vay tín dụng cá nhân có thế chấp mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện chỉ đáp ứng nhu cầu của những người có tài sản và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ. Vì vậy, theo Bộ Xây dựng cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án cao cấp.
Cũng liên quan đến dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề nghị hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt. Đồng thời, nên thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà và quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường. Riêng dự án đầu tư nước ngoài, cần có quy định tỷ lệ hoàn thành công trình cao hơn dự án trong nước mới được huy động vốn để bảo đảm vốn đầu tư được đưa vào đúng như đăng ký.
Tăng tỷ lệ nhà chung cư
Bộ Xây dựng đã đề nghị ban hành quy định các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư hơn 80%, đồng thời đa dạng hóa quy mô diện tích căn hộ, phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đề nghị này xuất phát từ thực tế cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở và khu đô thị chưa hợp lý. Trong khi gần như 100% nhà ở chung cư được đưa vào sử dụng, thì tỷ lệ nhà ở liên kế đưa vào sử dụng đạt 80% và tỷ lệ nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58%. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức đấu thầu. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để bảo đảm công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế "xin-cho" và bảo đảm khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách. Bên cạnh đó, xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị; chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị. Cùng với việc tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch BĐS có hành vi gian dối, "làm giá" gây mất ổn định thị trường.
Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS không chỉ tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn góp phần tạo công ăn, việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Theo tính toán để xây dựng 1m2 nhà ở cần 17-25 công lao động, chưa kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng; mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho việc quản lý vận hành. Việc coi BĐS thuộc lĩnh vực phi sản xuất để hạn chế tín dụng mà không phân biệt các loại BĐS thiết yếu là chưa thỏa đáng. Vì thế, vừa chấn chỉnh thị trường BĐS không để trở thành nhân tố gây ra lạm phát cao, nền kinh tế "bong bóng" và chống đầu cơ, nhưng cũng phải vừa tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường, gây tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.