Tạo đột phá từ phân cấp, ủy quyền

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:21, 17/10/2022

(HNM) - Phân cấp, ủy quyền sẽ tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Đây là giải pháp có ý nghĩa hàng đầu trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Vậy, vì sao phải phân cấp, ủy quyền? Đó là vì thực tế, có tình trạng cơ quan có thẩm quyền được phân giao và thực hiện nhiệm vụ chưa phù hợp. Nơi thì nắm giữ, thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn dẫn đến năng lực, điều kiện thực hiện không đáp ứng được yêu cầu, có hiện tượng quá tải, không giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả chung. Thậm chí xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, phiền hà, “hành” dân, “hành” doanh nghiệp. Trong khi đó, cấp có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị khác có thể làm tốt hơn quyền hạn, nhiệm vụ thì chưa được phân giao, làm nảy sinh nhiều hệ lụy không đáng có. Xét về tổng quát, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa thực sự được phát huy tương xứng, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Đáng nói hơn, không ít cán bộ đã lợi dụng kẽ hở trong phân giao quyền hạn, trách nhiệm dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; có hành vi vụ lợi, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Những trường hợp như vậy đã gây bức xúc trong dư luận; ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Để khắc phục tình trạng đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu, phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, chống tha hóa quyền lực; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp có tính chiến lược, đột phá được Đảng chỉ ra, đó là hoàn thiện thể chế phát triển, trong đó có nội dung về thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả.

Thực hiện chủ trương trên, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội đã cụ thể hóa trên nhiều phương diện. Tinh thần này đã thẩm thấu xuống các địa phương, được thực hiện ngày càng sâu rộng. Tại Hà Nội, cấp ủy, chính quyền thành phố đã thực hiện những bước đi quyết liệt, mạnh mẽ về phân cấp, ủy quyền, nhất là liên quan đến các thủ tục hành chính. Tính đến tháng 8-2022, tổng số thủ tục hành chính trên toàn địa bàn thành phố gồm có 1.884 thủ tục (cấp thành phố là 1.534, cấp huyện là 244, cấp xã là 106 thủ tục). Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố, HĐND thành phố vừa thông qua các nghị quyết về phân cấp, ủy quyền; trong đó, riêng về thủ tục hành chính, thành phố đã quyết định phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố.

Đây là kết quả được dư luận và nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu năm đánh giá là mang tính cách mạng; một bước đột phá trong phân cấp, ủy quyền; góp phần phá vỡ những “điểm nghẽn”, tạo cơ hội kích hoạt, tạo động lực nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính; bồi đắp niềm tin, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, những nội dung phân cấp, ủy quyền lần này mới chỉ là bước đầu. Công tác rà soát, điều chỉnh phân cấp, ủy quyền được thành phố xác định là công việc thường xuyên và liên tục.

Để nhiệm vụ, giải pháp phân cấp, ủy quyền thực sự có bước đột phá trong thời gian tới, nhất định cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy Đảng phải nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, thực sự là “nhạc trưởng” của công tác này. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ chủ chốt về tính chất hệ trọng và yêu cầu bức thiết của phân cấp, ủy quyền. Phân cấp, ủy quyền phải bảo đảm gắn với cải cách hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, việc phân cấp, ủy quyền phải phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; gắn với tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn lực thực thi. Vấn đề phân cấp cần đồng bộ về quản lý nhà nước trước, trong và sau đầu tư của một số lĩnh vực. Cần nghiên cứu, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các sở, ngành đang thực hiện. Việc phân cấp, ủy quyền cần tăng cường cho các quận, huyện, cơ quan, đơn vị có khả năng và điều kiện làm tốt, đồng thời phải bảo đảm đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật của từng đơn vị.

Có thể nói, phân cấp, ủy quyền là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Dẫu đã đạt một số kết quả quan trọng, có tính đột phá, song yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác này vẫn ở phía trước đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện với ý chí cao nhất. Điều quan trọng là phải xác định rõ, đây là nhiệm vụ chính trị, là bổn phận của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Làm tốt được việc phân cấp, ủy quyền cũng có nghĩa là nâng cao uy tín, tín nhiệm của cấp ủy tổ chức Đảng và hệ thống chính trị, góp phần tạo đột phá trong hoàn thiện thể chế phát triển.

Nguyệt Linh