Bình đẳng cho trẻ mầm non
Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 19/05/2011
Bà Nguyễn Thị Hương (giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, quận Đống Đa):
Đầu tư cho tương lai…
Miễn giảm học phí cho học sinh bậc mầm non là một chính sách đầu tư mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai. Ở các thành phố lớn, gia đình có điều kiện thường gửi các em đến trường mầm non công lập, tư thục để được chăm sóc và dạy dỗ. Còn trẻ em ở các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa khó khăn thường được cha mẹ thả tự do, vui chơi cùng chúng bạn hoặc để anh chị, ông bà chăm sóc. Chúng tự lớn lên, tự trưởng thành, hồn nhiên như cây cỏ và như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình giáo dục các cấp học tiếp theo. Nếu được học miễn phí, nhiều trẻ sẽ được đến trường, được chuẩn bị những kiến thức cơ bản nhất để các em tự tin bước vào lớp 1. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ sự phát triển cho trẻ từ bậc mầm non là đầu tư hiệu quả cho sự phát triển của thế hệ chủ nhân tương lai.
Ông Trịnh Văn Tâm (khu tập thể Kim Giang, quận Thanh Xuân):
Phải đi đôi với mở rộng trường lớp
Nói đến phổ cập là nói đến việc bắt buộc cha mẹ hoặc người giám hộ có trẻ 5 tuổi phải đưa con em đến trường. Nhà nước phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trường lớp, đồ dùng học tập cũng như đội ngũ giáo viên dạy học. Hiện nay, tình trạng thiếu trường, lớp dẫn đến việc tìm chỗ học cho con em gặp nhiều khó khăn. Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7, các cơ quan truyền thông đại chúng lại xôn xao những việc dở khóc, dở cười xung quanh chuyện "chạy trường, chạy lớp" cho con tuổi mầm non. Nhiều người xếp hàng từ 2-3 giờ sáng để đăng ký nộp đơn xin học cho con; có người vất vả nhờ mối nọ, mối kia hoặc mất tiền triệu để "mua suất" vào trường… Cuộc cạnh tranh quyết liệt này dẫn đến hồi kết là ai nhiều tiền, có mối quan hệ sẽ giành được cho con em mình chỗ học phù hợp với hoàn cảnh.
Bà Trần Thu Trang (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín):
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non ở nông thôn
Tôi được biết ở nhiều vùng nông thôn, lớp học còn không có bàn ghế, các cháu chơi, ăn ngủ, học đều ở trên sàn nhà, mùa đông cũng như mùa hè. Lớp thì chật lại đông học sinh, ngủ trưa nằm chen chúc nhau. Đồ dùng học tập cũng không có, nói gì đến sân chơi với đu quay, cầu trượt, nhà bóng. Một số trường còn không có hàng rào khuôn viên sân trường để xảy ra tình trạng trẻ tự ý bỏ ra ngoài, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo tôi, ngoài việc miễn, giảm học phí cho bậc học mầm non, cần xã hội hóa nguồn kinh phí để từng bước cải thiện điều kiện ăn ở, học tập cho trẻ, nhất là trẻ ở vùng nông thôn còn khó khăn.
Ông Tô Quang Toàn (cán bộ nghỉ hưu ở phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Chưa bình đẳng công - tư
Những năm 1980, khi con cái chúng tôi đến tuổi học mầm non thì được gửi miễn phí tại nhà trẻ, mẫu giáo do các cơ quan, xí nghiệp thành lập. Các lớp này về chuyên môn vẫn do Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm, còn lương của giáo viên cũng như cơ sở vật chất lại do các cơ quan chủ quản chi trả. Ngày ấy, cơ quan nào cũng có nhà trẻ nên áp lực tìm trường cho các cháu không nặng như bây giờ. Hiện nay trường công quá ít dẫn đến tình trạng gần nửa số trẻ mầm non phải học trường tư. Khi thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non với số vốn dự kiến lên đến gần 15 nghìn tỷ đồng, thì nhóm trẻ ở trường tư sẽ được hưởng như thế nào? Trẻ học ở trường tư chịu nhiều thiệt thòi, đóng học phí cao, tiền ăn, tiền nhà, tiền mua sắm đồ chơi đều rất nặng nề. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hợp lý để các em này cũng được hưởng lợi từ chính sách phát triển giáo dục mầm non của Chính phủ.