Đối tượng, quyền lợi và thủ tục tham gia BHXH tự nguyện
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 19/05/2011
Nguyễn Thị Kim Thu
Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh
(Công ty Luật số 5 Quốc gia, website: http://www.luatsuvietnam.vn trả lời:
Theo quy định tại Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31-1-2008, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28-12-2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc. Đó là, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách cấp xã; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công trong các hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã; người lao động tự tạo việc làm; người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã nhận BHXH một lần; người tham gia khác.
Người tham gia BHXH tự nguyện có các quyền như sau: được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình (mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung); nhận lương hưu (có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam) hoặc trợ cấp BHXH tự nguyện; hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu; chế độ tử tuất. Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Để tham gia BHXH tự nguyện, người có nhu cầu và trong diện đối tượng nêu trên nộp tờ khai cá nhân cho tổ chức BHXH nơi cư trú. Mẫu tờ khai do BHXH Việt Nam quy định. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người tham gia BHXH tự nguyện, tổ chức BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH.