Ngôi vị Tổng Giám đốc IMF: Vào đường đua sớm

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 19/05/2011

(HNM) - Vài tháng qua, một cuộc cạnh tranh ngầm giữa các châu lục nhằm vào chiếc ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã diễn ra khá sôi động. Tốc độ của cuộc đua này nóng lên bất thường sau khi nhà lãnh đạo cao nhất, ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt (14-5) tại New York, Mỹ với cáo buộc tấn công tình dục.

Theo truyền thống, người đứng đầu IMF sẽ đến châu Âu và vị trí tiếp theo thuộc về một người Mỹ. Tuy nhiên, với mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng nhờ sức mạnh tài chính được khẳng định trong những năm gần đây, các quốc gia có nền kinh tế mới nổi cho thấy sẽ không dễ dàng bỏ qua cuộc chạy đua cho dù là khốc liệt để giành được vị trí cao nhất tại IMF lần này. Một câu hỏi được đặt ra vào lúc này: ứng cử viên nào ngoài Mỹ và châu Âu có khả năng giành chiến thắng trong cuộc tìm kiếm người kế nhiệm ông D. Strauss - Kahn?

Nhiều quốc gia trên thế giới đang lên kế hoạch chạy đua vào vị trí Tổng Giám đốc IMF nhiệm kỳ tiếp theo.

Đã có luồng dư luận rằng, Trung Quốc có vẻ là một lựa chọn rõ ràng bởi quy mô kinh tế và sức ảnh hưởng của quốc gia châu Á này đang ngày càng in đậm trên các diễn đàn thế giới. Đất nước đông dân nhất hành tinh cũng không thiếu những nhân vật đủ phẩm chất, năng lực cho vị trí Tổng Giám đốc IMF. Nhưng, để tìm được tiếng nói chung với các nước láng giềng lớn ở châu Á cũng như nhiều quốc gia phương Tây trong một số lĩnh vực liên quan đến tài chính và tiền tệ, xem ra Trung Quốc vẫn còn những khoảng cách. Trong khi đó, các gương mặt đến từ Ấn Độ được đánh giá cao về thái độ công minh và độc lập cũng không muốn để chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF ngoài tầm với. Một người Nhật Bản cũng được cho là lựa chọn tốt bởi từ lâu quốc gia này đã tạo dựng được vị thế của một nền kinh tế phát triển và có vai trò quan trọng trong IMF. Chỉ có điều, các ứng cử viên sáng giá của Nhật Bản hiện nay như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Koruda hay Phó Tổng giám đốc điều hành IMF người Nhật Bản Naokyoki Shinohara lại không phải mẫu nhân vật có thể kết hợp khả năng chuyên môn với tính sắc sảo chính trị. Ngay như người đứng đầu Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) Keman Dervis của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi cho vai trò cầu nối Á - Âu - cũng bị hoài nghi do IMF rất cần một nhân vật có thể vận hành tốt một bộ máy tài chính ở tầm toàn cầu một cách hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế chưa vượt qua được cơn sóng gió... Như thế đã đủ thấy cuộc lựa chọn người đứng đầu IMF đang diễn ra nóng bỏng đến mức nào.

Đó là chưa kể, lục địa già hẳn sẽ không muốn một tình huống "thất truyền" xảy ra, nhất là khi IMF đang trở thành một chiếc "phao cứu sinh" của nhiều quốc gia trong khu vực cận kề nguy cơ vỡ nợ. Trong thời gian trị vì IMF, ông D. Strauss - Kahn đã đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực tài chính tại châu Âu nhằm đối phó hiệu quả với khủng hoảng nợ. Do từng là Bộ trưởng Tài chính Pháp, Tổng Giám đốc D. Strauss - Kahn đã chứng tỏ có khả năng đàm phán với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, giúp thu hẹp bất đồng; đồng thời thúc đẩy những thỏa thuận tối quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU) trước những gói nợ kinh hoàng của Hy Lạp, Ireland và hiện nay là Bồ Đào Nha. Do đó, nếu người kế nhiệm D. Strauss - Kahn ở IMF không mang quốc tịch châu Âu thì khu vực này sẽ rơi vào thế bất lợi khi thuyết phục các quốc gia khác chấp nhận một giải pháp ngăn các tình huống khủng hoảng nợ mà trước mắt là khoản vay 78 tỷ euro của Bồ Đào Nha và kế hoạch tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp cho giai đoạn sau năm 2012.

Ngay sau khi hung tin người đứng đầu IMF bị bắt giữ được phát đi, người ta đã thấy những tác động tức thời tới Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong phiên giao dịch hôm 16-5, giá trị đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tuần. Vì thế nếu mọi việc liên quan tới ông Strauss - Kahn tiến triển theo chiều hướng xấu, chắc chắn cựu lục địa sẽ sử dụng ưu thế "cổ đông lớn" trong quỹ này để tiếp tục nắm ghế Tổng Giám đốc IMF. Như vậy, cho dù đã bước vào cuộc đua sớm nhưng sẽ không mấy ngạc nhiên nếu ngôi cao IMF nhiệm kỳ tới vẫn chưa thuộc về châu Á.

Quỳnh Chi