Con đường của chúng ta

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 19/05/2011

(HNM) - Để làm rõ hơn nữa hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân và nội dung cách mạng, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc theo con đường vô sản, Trường Đại học KHXH&NV phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa tổ chức hội thảo khoa học


Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi trưng bày hiện vật và tài liệu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Ảnh: Nguyệt Ánh


Theo Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh Bùi Kim Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc với tấm lòng của một người Việt Nam yêu nước. Người trân trọng và khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất của những chí sĩ yêu nước lúc đó như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... nhưng Người có suy nghĩ khác, cách thức khác trong tìm con đường cứu nước, cứu dân. Người sớm nhận thức được "cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng". PGS-TS Lê Văn Tích, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Tìm thấy con đường cứu nước đã khó nhưng bổ sung, hoàn thiện nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể, rồi đưa về áp dụng trong nước còn khó khăn gấp bội. Sau nhiều lần thất bại của các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên kết hợp thành công sức mạnh trong nước và quốc tế - dân tộc và thời đại, yếu tố khách quan và chủ quan để tìm ra lời giải cho "bài toán thế kỷ" đã đặt ra trước dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Người đã khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ để tìm thấy con đường chống thực dân phong kiến. Tuy nhiên, cần thấy rõ, đây không đơn giản là việc lựa chọn một mô hình có sẵn để vận dụng vào Việt Nam. Con đường cứu nước của Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Những bài học còn nguyên tính thời sự

Trong quá trình tìm đường cứu nước, cùng với việc nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh còn quan tâm tới việc tìm kiếm mẫu người cán bộ kiểu mới có khả năng "đứng mũi chịu sào". Mẫu người cán bộ ấy "phải biết quyết định mọi vấn đề cho đúng; phải biết tổ chức thi hành cho đúng và phải biết cách chọn người và thay người cho đúng".

Phân tích sâu hơn, TS Lê Văn Thịnh, Đại học KHXH&NV đã nhìn ra quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Để đưa ra được quyết định cho đúng đắn, người cán bộ phải hiểu rõ tình hình công việc và năng lực của cấp dưới, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng "nồi vuông úp vung tròn". Muốn vậy, người cán bộ phải giữ chặt mối liên hệ với quần chúng để điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi vấn đề trên tinh thần "chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ"… Khi đã quyết định đúng rồi thì quan trọng hơn là phải tổ chức thi hành cho đúng. Hồ Chí Minh quan niệm người cán bộ có cách lãnh đạo đúng, khoa học còn là người hiểu rõ trình độ, khả năng của cấp dưới để bố trí, sử dụng cho phù hợp với yêu cầu công việc, tuyệt đối không "dùng thợ mộc làm thợ nề".

Từ sự phân tích trên và đối chiếu với thực tiễn, TS Lê Văn Thịnh thấy rằng: "Trước bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều thử thách, một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt đã bộc lộ sự thoái hóa về năng lực, "không đủ tình trạng hoàn thành nhiệm vụ". Biểu hiện của tình trạng này là lúng túng trong việc hoạch định chủ trương, kế hoạch công tác khi tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Để khắc phục, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy, phải "từ trong quần chúng ra, trở lại quần chúng"- TS Lê Văn Thịnh khẳng định.

Ứng dụng vào thực tiễn thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: "Những nghiên cứu mới này một lần nữa khẳng định bản lĩnh, nhân cách và vị trí của Nguyễn Ái Quốc trong tình hình khó khăn của cách mạng Việt Nam". GS Lâm mong muốn "các cơ quan nghiên cứu về lịch sử Đảng, về Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự, với tinh thần khách quan, khoa học để làm sáng tỏ những vấn đề trong quá trình nghiên cứu về sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh".

Còn kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng của ThS Trần Bách Hiếu, Đại học KHXH&NV là: Khi giảng dạy về tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với các vấn đề lý thuyết, sinh viên thường đặt ra rất nhiều câu hỏi về những việc trái ngang còn tồn tại trong thực tiễn. Đây là đối tượng tiếp cận thông tin ở nhiều nơi nhưng không phải nguồn nào cũng giúp họ hiểu đúng bản chất thật sự đằng sau sự việc. Từ đó, Th.S Hiếu kiến nghị: "Việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới cần phải đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh niên, sinh viên".

Tương tự, TS Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cần một thái độ cởi mở hơn khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu đó nên hướng tới sự ứng dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay như thế nào, chứ không đơn giản chỉ là nhận thức cho được những giá trị cao cả, tốt đẹp rồi bỏ đấy. Ngay như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quan trọng là phải nhận thức đúng rồi làm theo cho đúng, chứ không phải chỉ học theo phong trào, học để trả bài rồi hỏi đến vấn đề gì cũng thấy tù mù. Có như thế, hệ tư tưởng giá trị vô giá của Người về con đường giải phóng dân tộc mới thực sự có ý nghĩa".

Minh Ngọc