Hà Nội chỉ thật sự đẹp khi người Hà Nội biết sống đẹp
Chính trị - Ngày đăng : 17:12, 18/05/2011
Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ trao bằng khen cho các tác giả đoạt giải cao |
Cuộc thi cũng là một nét đẹp của Hà Nội
Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Nét đẹp người Hà Nội” được Báo Hànộimới và Ban Thi đua khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chiều nay. Sau một thời gian phát động không dài, chỉ hơn 10 tháng, Cuộc thi đã thu hút hơn 300 tác phẩm của gần 200 tác giả gửi dự thi, trong đó có cả những tác giả ở tỉnh bạn, cảm động trước tấm gương, việc làm tốt của người Thủ đô mà viết bài biểu dương.
Trong hơn 90 tác phẩm được chọn lựa để đăng tải, mỗi tấm gương được biểu dương, dù hoàn cảnh, quá trình cống hiến khác nhau nhưng họ đều có những việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đơn vị mà qua đó, mỗi người đều có thể học tập, làm theo, tạo sức hút, truyền cảm và sức lan toả sâu rộng.
Một vài nhân vật điển hình tiêu biểu trong số đó là GS Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, những người đã cống hiến không mệt mỏi, đặc biệt với Thủ đô trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long; chị Trần Thị Mai Anh, người đã nhận nuôi bé Thiện Nhân, cháu bé mới chào đời đã bị mẹ vứt bỏ, bị thú rừng ăn mất một phần cơ thể…Với họ, báo chí đã nhắc đến nhiều, đã quen với không ít bạn đọc. Nhưng một lần nữa, khi họ được giới thiệu trên báo Hànộimới vẫn làm mọi người xúc động, cảm xúc bởi những việc làm của họ đã khẳng định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn vương lên đóng góp cho xã hội, thực sự là tấm gương cao quý của cộng đồng.
Giành những tình cảm tốt đẹp và ấn tượng về cuộc thi này, GS Vũ Khiêu nhấn mạnh, Nét đẹp của Thủ đô Hà Nội, của người Thủ đô không chỉ là nét đẹp của ngày hôm nay, mà là kết thừa những nét đẹp trải qua bao nghìn năm lịch sử của dân tộc. Do đó, cuộc thi là dịp để mỗi tác giả được tỏ lòng kính yêu, tưởng nhớ, trân trọng ngàn năm văn hiến, Thăng Long.
Qua cả ngàn năm, lịch sử của Hà Nội là kết tinh của những nét đẹp nhất. Đó là nét đẹp của một Thủ đô văn hiến, Thủ đô anh hùng và Thủ đô hoà bình; là tình yêu thương gắn bó giữa những người Hà Nội với nhau và Hà Nội với cả nước. Yêu thương đã trở thành sức mạnh, là lẽ sống của Hà Nội và dân tộc.
GS Vũ Khiêu dành những lời tâm sự quý báu về truyền thống, nét đẹp Thủ đô tại Lễ trao giải |
Nét đẹp của Thủ đô cũng là do được cả nước trao tặng, gửi gắm. Nét đẹp đó ở từng con người, từng sự việc được phản ánh trong mỗi tác phẩm dự thi. Chính mỗi tác giả cũng là một nét đẹp và cuộc thi cũng là một nét đẹp của Hà Nội chúng ta.
Những tấm gương đẹp luôn cần được nhân lên
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ đã đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh Báo Hànộimới đã có sáng kiến và tổ chức thành công một cuộc thi nhiều ý nghĩa. “Hà Nội chỉ thật sự đẹp khi người Hà Nội biết sống đẹp. Việc Báo chọn đề tài cho cuộc thi, ngợi ca những nét đẹp người Hà Nội là một đề tài lớn, thời sự và cơ bản trong xây dựng cuộc sống, xây dựng Thủ đô.
Gần đây, một số tờ báo, một số tác giả có xu hướng và hứng thú viết về những vấn đề tiêu cực, tệ nạn trong cuộc sống… Nhưng đó chưa phải là gương mặt chân thực của Hà Nội chúng ta. Hà Nội luôn có những con người dũng cảm như người lái tàu Trương Xuân Thức. Hành động của anh khi quên thân mình giữ chặt cần hãm dừng tàu, cứu hàng trăm người đi trên tàu; là những người như ông Đoàn Văn Líu, 76 tuổi, trong nhiều năm đã âm thầm theo dõi mục “Nhắn tìm đồng đội” và tìm các thông tin về tên tuổi, địa chỉ liệt sỹ tại các nghĩa trang để rồi viết thư thông báo cho các thân nhân của họ, giúp nhiều gia đình tìm được mộ người thân.
Tấm hình đầy ý nghĩa giữa BTC cuộc thi, Nhà tài trợ, các tác giả đoạt giải và cả những nhân vật trong bài viết |
Hay khi đọc bài “Tấm lòng cô giáo Huyền”, bạn đọc sẽ thấy quý trọng vô cùng việc làm của cô giáo có tấm lòng bao la, đã tự nguyện dùng nhà của mình, bỏ tiền mua đồ dùng học tập, vận động các em đến lớp học. Độc giả cũng không khỏi xúc động khi đọc bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng kể về tình cảm của chị Trần Mai Anh và bé Thiện Nhân khi chị lâm bệnh nặng…
Do đó, đồng chí Hồ Quang Lợi đề nghị Báo Hànộimới sau khi kết thúc cuộc thi sẽ tiếp tục duy trì chuyên mục này bởi những nét đẹp, tấm lòng như thế lúc nào cũng cần được nhân lên để Hà Nội sẽ đẹp hơn, để tẩy trừ, đẩy lùi cái xấu. Đây cũng đúng là tiêu chí của Báo Hànộimới trong thời gian tới. Dù Cuộc thi đã khép lại, tuy nhiên, việc tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên Báo Hànộimới vẫn được Báo xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh việc đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, tham nhũng, thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội
Yêu thương tiếp tục lan toả
Ngay sau lễ trao giải, một cuộc giao lưu ngắn ngủi, nhưng đầy cảm động đã diễn ra ngay tại Hội trường Báo Hànộimới. Những vị khách đầu tiên nhưng vô cùng đặc biệt là mẹ con chị Mai Anh, Thiện Nhân và chị Nguyễn Thị Hoàng Lan.
Chị Lan tâm sự, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin, chị đã vô cùng cảm động trước tấm lòng của chị Mai Anh và luôn chú ý theo dõi mọi thông tin, diễn biến về tình hình sức khoẻ của Thiện Nhân. Tuy nhiên, chưa bao giờ chị lại nghĩ đến việc sẽ viết bài về tình cảm đặc biệt này cả. Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ trực tiếp chị Mai Anh khi chị đang mổ não tại Bệnh viện Bạch Mai, được biết, trước khi lên bàn mổ, chị Mai Anh đã viết di chúc để lại cho 3 người con yêu thương của mình, chị Lan đã xúc động bật khóc và đòi xem bằng được tờ di chúc ấy.
Để rồi, bằng tất cả những tình cảm sâu sắc, sự cảm phục từ tận đáy lòng mình, tác phẩm “Không phải chuyện cổ tích” ra đời, khiến bao người đọc xúc động và đã được Ban tổ chức chọn để trao Giải đặc biệt. Mọi người đã vô cùng cảm động khi trong suốt Lễ trao giải đã chứng kiến sự gần gũi đầy yêu thương giữa chị Lan và bé Thiện Nhân. Cháu đã coi chị như người thân trong gia đình mình. Đặc biệt khi, chị Lan đã quyết định giành toàn bộ số tiền thưởng là 10 triệu đồng để trao lại cho 2 mẹ con Thiện Nhân.
Hai mẹ con Thiện Nhân và tác giả Nguyễn Thị Hoàng Lan trên sân khấu giao lưu |
“Cảm ơn Báo Hànộimới đã tổ chức một cuộc thi để giúp tôi được đóng góp một phần vào nét đẹp của Thủ đô. Khi được chọn là một trong 10 công dân tiêu biểu của Hà Nội trong dịp Đại lễ vừa qua, tôi hiểu rằng giờ đây mọi thứ đã vượt xa khỏi tình cảm của hai mẹ con tôi. Việc tôi làm giờ đây không chỉ cho con tôi, cho bản thân nữa mà là cho Thủ đô” - chị Mai Anh tâm sự.
Buổi giao lưu cũng là cơ hội cho mọi người một lần nữa được nghe lại câu chuyện của người lái tàu Trương Xuân Thức khi đã không quản hiểm nguy, dũng cảm giữ chặt cần hãm dừng tàu, cứu hàng trăm người đi trên tàu để bản thân bị mất đi một cánh tay. “Trong tình huống ấy, tôi không thể chỉ nghĩ đến bản thân mình bởi nếu tôi bỏ vì sự an toàn của bản thân thì các hành khách khác sẽ gặp nguy hiểm đến nhường nào. Tôi làm vậy là vì nghĩa vụ, trách nhiệm và lương tâm của một con người” – câu trả lời ngắn gọn của anh Thức khiến cả hội trường vỗ tay cảm phục và xúc động.
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc thi, một lễ tổng kết, trao giải và những giây phút giao lưu ngắn ngủi, câu chuyện của họ, những con người luôn rộng lòng yêu thương, tình cảm chan chứa với Thủ đô sẽ có sức lan toả mãi. Hà Nội sẽ mãi đẹp khi có những con người biết sống đẹp như thế.
Danh sách các tác giả đoạt giải trong Cuộc thi viết “Nét đẹp người Hà Nội” 1 giải Đặc biệt: - Tác phẩm “Không phải chuyện cổ tích”, tác giả Nguyễn Hoàng (Nguyễn Thị Hoàng Lan, Trưởng ban TKTS báo Điện tử Tổ quốc) 1 Giải Nhất: - Tác phẩm “Người lái tàu dũng cảm”, tác giả Linh Chi (Thu Hương - báo Hànộimới) 2 Giải Nhì: - Tác phẩm “Âm thầm làm việc nghĩa”, tác giả Xuân Phong (Nguyễn Văn Xuân, Thời báo Doanh nhân) - Tác phẩm “Nặng lòng với văn hiến Thăng Long”, tác giả Nguyễn Linh (Thu Hương - báo Hà nộimới) 3 giải Ba: - Tác phẩm “Dũng cảm vì công lý”, tác giả Phong Thu (Hiền Chi – báo Hànộimới) - Tác phẩm “Vẫn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội”, tác giải Linh Chi (Thu Hương – báo Hànộimới) - Tác phẩm “Tấm lòng cô giáo Huyền”, tác giả Lê Quang Lâm 5 giải khuyến khích: - Tác phẩm “Vua lốp bốc thuốc làm từ thiện”, tác giả Xuân Phong - Tác phẩm “Xứng danh anh hùng”, tác giả Phan Thị Minh Nguyệt - Tác phẩm “Người tâm huyết với điệu múa quê hương”, tác giả Huy Hà - Tác phẩm “Sư thầy làm việc thiện”, tác giả Minh Liễu - Tác phẩm “Nặng lòng với nông dân Ba Vì”, tác giả Nguyễn Văn Chương |