Nghệ sĩ Tiến Hợi: Kể chuyện đóng vai Bác Hồ

Văn hóa - Ngày đăng : 07:04, 18/05/2011

(HNM) - Thêm một lần nữa, nghệ sĩ Tiến Hợi (Nhà hát kịch Hà Nội) được mời đóng vai Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật

Nghệ sĩ Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh.


-  Tên tuổi của anh được công chúng biết đến qua nhân vật Bác Hồ trong hàng loạt vở kịch, phim truyền hình, phim truyện nhựa: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Một sáng tháng Năm”, “Đêm Việt Bắc”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”... Anh có thể cho biết, cơ duyên nào đưa anh đến với vai diễn đặc biệt này?

-  Tôi là diễn viên kịch của Đoàn nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu II). Năm 1987, đoàn chúng tôi dựng vở “Đêm trắng”. Tôi may mắn được chọn vì có diện mạo giống Bác nhất. Thành công với vai diễn này, năm 1988, tôi được đạo diễn Long Vân mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Đây là phim truyện nhựa màu đầu tiên về Bác nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Do còn ít kinh nghiệm, nên với vai diễn này, tôi đã lặn lội vào tận thành phố Huế gặp các cụ già để hỏi xem thanh niên ngày xưa sống như thế nào, yêu và thể hiện tình cảm ra sao. Vai diễn Nguyễn Tất Thành thành công hơn những gì tôi mong đợi. Từ đó, tôi được nhiều đạo diễn mời đóng vai Bác Hồ ở nhiều giai đoạn khác nhau.

- Hơn 30 năm trong nghề, hơn 20 lần hóa thân vào hình tượng Bác, vai diễn nào đọng lại trong anh sâu sắc nhất?

- Đó là vai diễn đầu tiên của tôi về Bác trong vở kịch “Đêm trắng”. Vở kịch dựa trên câu chuyện có thật. Lần ấy, “Đêm trắng” ra mắt tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Khi vở diễn vừa kết thúc, phía dưới sân khấu có một cụ già đi lên, vừa khóc, vừa bày tỏ lòng cảm phục trước thái độ kiên quyết xử lý kẻ phạm tội. Thì ra, thấy tôi nhập vai giống Bác quá, cụ quên mất rằng mình đang xem kịch. Mãi sau này tôi mới biết, cụ là một trong những người chứng kiến câu chuyện có thật đó.

- Hóa thân trong một nhân vật, không đơn giản để tạo nên những điều mới mẻ càng khó khăn hơn, đây quả là thách thức với người nghệ sĩ?

- Mỗi vai diễn về Bác với tôi luôn là một điều mới mẻ. Như vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” của đạo diễn Đặng Nhật Minh chẳng hạn. Vai diễn này đòi hỏi tôi phải lột tả chân thực hình ảnh Bác trước những quyết định trọng đại của lịch sử. Để nhập vai, tôi đã học Bác từ những thói quen trong sinh hoạt như cách Bác cầm điếu thuốc lá, dáng đi, dáng ngồi đọc báo, cũng như trạng thái tình cảm…

- Qua nhiều vai diễn về Bác, anh học được điều gì ở Bác?

- Học Bác, noi gương Bác, tôi không cho phép mình lặp lại chính mình trong mỗi vai diễn về Bác. Bởi thế, tôi luôn cố gắng thể hiện sao cho khán giả ở mọi lứa tuổi thấy hình tượng Bác Hồ gần gũi, chân thật chứ không phải là hình dáng của một diễn viên đang “bắt chước” phong cách Bác.

Anh có thể cho biết, anh sẽ thể hiện vai diễn mới nhất về Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên” ra sao?

- Cũng như những vai diễn khác về Bác, tôi đã nghiên cứu nhiều tư liệu, hình ảnh của Bác trong giai đoạn lịch sử này để có thể hóa thân một cách chân thực nhất. Hiện tôi đang cùng ê kíp tập luyện chương trình.

Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này và chúc anh tiếp tục thành công!

Đào Vũ