Sự thật và bịa đặt

Chính trị - Ngày đăng : 17:52, 17/05/2011

(HNMO) - Trong những ngày thu năm 2010, cả nước Việt Nam long trọng kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một trang sử mới trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2010. Ảnh: Tạp chí Cộng sản.

(HNMO) - Trong những ngày thu năm 2010, cả nước Việt Nam long trọng kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một trang sử mới trên con đường đấu tranh giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam.

Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch coi bản tuyên ngôn được chính Người viết tại một căn nhà bí mật ở Hà Nội là tác phẩm tâm đắc nhất của mình. Căn nhà đó, nay trở thành di tích lịch sử của đất nước Việt Nam. Ấy vậy mà lại có một số kẻ trắng trợn xuyên tạc là đã có người viết giúp Hồ Chí Minh bản tuyên ngôn đó.

Tôi may mắn được 3 lần gặp Bác Hồ vào các năm 1961, 1964 và 1969 tại Hà Nội. Ấn tượng cá nhân của tôi về Hồ Chí Minh – đó là một con người hết sức thông thái, nắm vững tình hình thế giới, trân trọng lý luận của Lenin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga.

Cũng như nhân dân Việt Nam vô cùng yêu mến người con huyền thoại của mình, nhân dân chúng tôi cũng ghi nhớ và kính trọng Bác Hồ - người bạn lớn của Liên Xô và của nước Nga. Tôi nhận thấy rằng: chính những người học trò, những người đồng chí đã kề vai sát cánh với Bác Hồ trên con đường cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước mới là những người đánh giá khách quan nhất về Bác.

Nhiều năm làm chuyên viên tại Ban Đối ngoại TW Đảng Cộng sản Liên Xô, tôi đã có rất nhiều dịp được tiếp kiến, trò chuyện lúc thì ở Hà Nội, khi thì ở Mátxcơva với các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình… Hầu hết những nhà lãnh đạo đó đã trải qua tù đầy, hoạt động bí mật và cũng như Hồ Chí Minh, họ giữ gìn đạo đức cách mạng và lòng trung thành đối với dân tộc.

Tôi cũng đã tiếp xúc với vô số nông dân, công nhân, trí thức, chiến sỹ, lão thành cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Việt Nam. Qua những cuộc tiếp xúc với họ, tôi mới cảm nhận được tình yêu và sự kính trọng từ trong lòng mình của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ của mình. Đối với họ, Bác Hồ là một con người thông thái nhưng giản dị, bằng cả trái tim mình lo cho đồng bào và vận mệnh nước nhà. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy rõ, bất chấp những lời vu khống và bịa đặt, hình ảnh gần gũi và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi là tấm gương mẫu mực cho tất cả những ai có thiện chí trên thế giới này. Vì vậy, tôi không thể nào đồng ý với những thế lực thù địch nào đó cho rằng Hồ Chí Minh đã coi thường lợi ích của nhân dân mình, đưa dân tộc này đi theo con đường sai lầm. Chỉ cần tập hợp tất cả những hồi ký, bài viết về Hồ Chí Minh của mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, tôi chắc rằng đó sẽ là một thư viện khổng lồ và chân thực nhất về Người.

Suốt hơn 50 năm qua, cuộc đời tôi đã gắn liền với Việt Nam và vì vậy, tất cả những gì liên quan đến đất nước này, đến nhân dân Việt Nam anh hùng, lịch sử hiện tại và tương lai của Việt Nam đều khiến tôi quan tâm. Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây đã thông qua những quyết định quan trọng về chính sách đối nội và đối ngoại. Đặc biệt, tôi rất hoan nghênh phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ban chấp hành TW mới được bầu cùng với toàn Đảng, toàn dân sẽ tiếp tục phát triển những truyền thống quý báu và kinh nghiệm vẻ vang của Đảng ta, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong tư tưởng và hành động, tinh thần độc lập dân tộc, phát huy dân chủ, sáng tạo, không ngừng phấn đấu học tập, làm việc theo tư tưởng đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nói về di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh thì nó có ý nghĩa quốc tế rất cao do được cả thế giới tiến bộ thừa nhận. Di sản to lớn đó ngày càng được phổ biến rộng rãi trên hành tinh. Và thực tế đó là đúng đắn nhất, khác với những gì kẻ thù bịa đặt về con người vĩ đại này.

Tôi và Tiến sỹ sử học Evgheny Kobelev đã viết 2 cuốn sách về Hồ Chí Minh, đọc hầu hết những tác phẩm của Người và những hồi ký về Người. Hoạt động tích cực của Hồ Chí Minh tại Quốc tế Cộng sản đã tạo điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và điều đó báo hiệu cho những thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam sau này.

Trong nhiều năm, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, sau đó phải chống bọn xâm lược Pháp một lần nữa và cuối cùng là chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong thời khắc nóng bỏng của cuộc chiến tranh này, tháng 6/1966 Hồ Chủ tịch tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do!”. Tôi được tận mắt chứng kiến khẩu hiệu đó đã cổ vũ nhân dân Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam đạt được những chiến công rực rỡ như thế nào trong chiến đấu cũng như trong lao động. Câu nói về giá trị của ĐỘC LẬP và TỰ DO đã được ghi tạc trong lăng của Người ở thủ đô Hà Nội.

Có thể coi Lời di chúc của Hồ Chí Minh là một trong những tài liệu quan trọng nhất chứng minh rõ tư duy triết học của Người, tình yêu vô bờ bến đối với đồng bào, niềm tin không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng, tính lạc quan và niềm tin vào bạn bè trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đang xây dựng xã hội mới hạnh phúc, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình, ổn định, đi theo con đường dân chủ và phồn vinh, đúng như ước nguyện của Hồ Chủ tịch. Điều đó đã khiến tất cả những người bạn của nhân dân Việt Nam cảm thấy vui mừng. Chính mắt tôi đã chứng kiến những đổi thay to lớn trên đất nước Việt Nam trong chuyến tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2010.

Trong chuyến công du gần đây nhất đến Việt Nam cuối tháng 10/2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã khẳng định 10 năm qua (sau khi Nga và Việt Nam ký Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược), Việt Nam đã phát triển và thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại hơn. Tuy nhiên, những thành tựu mà Việt Nam đạt được lại gây nên sự ghen tị, thù hằn và bực tức cho những kẻ thù của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những kẻ sống lưu vong ở nước ngoài. Chúng không thể nào hài lòng với thực tế này nên một số kẻ âm mưu gieo rắc những thông tin sai lệch về Bác Hồ. Hình ảnh của Bác Hồ không ai có quyền xuyên tạc và xúc phạm. Bởi Bác Hồ, như nhân dân Việt Nam nói, là một người trong sạch và thật thà như pha lê. 20 năm trước đây, trong Nghị quyết của Tổ chức Văn hóa, giáo dục và khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã được đánh giá là nhân vật lỗi lạc đại biểu cho quyền lợi của nhân dân mình, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Qua theo dõi, chúng tôi chú ý đến một đoạn trong nghị quyết của Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam: “Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” hòng làm thay đổi chính trị ở nước ta”. Những người bạn của Việt Nam tin tưởng rằng những thủ đoạn của các thế lực thù địch ở bên trong cũng như bên ngoài nhằm gây ra sự hỗn loạn ở Việt Nam nhất định sẽ chịu thất bại vì đó là ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam và những người bạn thân thiết của họ.

Trong lịch sử bao giờ cũng tồn tại hai sự đối lập - đó là SỰ THẬT và BỊA ĐẶT. Không gì có thể bào chữa được cho những kẻ phản bội Tổ quốc mình và làm những gì mà chủ của nó sai khiến, những kẻ muốn tước đoạt những thứ không bao giờ có thể lấy lại được. Không ai có thể phá hoại những thành tựu của nhân dân Việt Nam, uy tín xứng đáng của Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Moscow, tháng 5/2011

Sergey Afonin