Đua nhau bán tháo cổ phiếu

Tài chính - Ngày đăng : 12:15, 17/05/2011

(HNMO) - Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến một loạt mã lớn nhỏ giảm giá , trong đó không ít mã giảm sàn, Vn-Index tuột khỏi mốc 470 điểm khi mất tiếp 7 điểm trong bối cảnh thị trường trong nước không có thông tin hỗ trợ, còn thị trường thế giới đồng loạt “đỏ lửa”.

Nỗi lo về nợ công tại châu Âu và triển vọng kinh tế Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên đêm qua chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 47,38 điểm (-0,38%) xuống 12.548,40 điểm; S&P 500 mất 8,3 điểm (-0,62%) còn 1.329,47 điểm; chỉ số Nasdaq hạ mạnh 46,16 điểm (-1,63%) xuống 2.782,31 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh 2,18 điểm (0,04%), còn 5.923,69 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp mất 0,72%, xuống mức 3.989,82 điểm; chỉ số DAX của Đức còn 7.403,31 hạ 0,21%. Thị trường châu Á cũng không tránh khỏi một phiên đi xuống.

Trở lại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch sáng 17/5 tại thị trường Tp.HCM, Vn-Index chỉ lên điểm ở đợt khớp lệnh 1, sau đó giảm.  Đóng cửa phiên chỉ số chung Vn-Index  hạ  7,14 điểm, tương đương 1,51%, xuống mức 464,35 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của Vn-Index.

Kỳ vọng đạt lợi nhuận không thành công trong thời gian qua đã khiến nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn và muốn thoát khỏi thị trường. Màu đỏ chiếm áp đảo trên bảng giao dịch điện tử bởi có tới 182 mã giảm giá trong khi chỉ 44 mã tăng giá, 50 mã giữ giá tham chiếu.

Lệnh đặt bán lớn trong khi lệnh mua thấp nên trên bảng giao dịch điện tử, rất nhiều mã bên mua trống trơn còn bên bán dư rất nhiều. Sức cung lớn kéo nhiều mã trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giảm sàn: VST, VNI, VES, UDC, TMP, TDC, TAC, TCL, RIC, SHI, PPI, PTL, MTG, NVN, MDG, MHC, MCG, MCV, KHP, KSH, IFS, HVX, HIS, HU3, DXV, DTT, FBT, BBC…

Cả 3 chỉ số của thị trường đều giảm trong phiên sáng 17/5.
Ảnh minh họa


Trong nhóm cổ phiếu lớn, giảm giá vẫn là chủ đạo. Đó là DPM, DXG, HAG, HPG, ITA, KBC, OGC, PPC, REE, SAM, SSI, VPL, chưa kể MSN giảm kịch sàn 5.000 đồng xuống mức 112.000 đồng/cổ phiếu; VIC giảm hết biên độ 6.000 đồng, còn 118.000 đồng/cổ phiếu. Bên tăng giá có CTG, DHG, PVD, PVF, VNM ghi 200-3.000 đồng/cổ phiếu; VCB tăng kịch trần ở phiên thứ 2 liên tiếp, đóng cửa với giá 30.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau thông tin gần 1,6 tỷ cổ phần của VCB thuộc sở hữu nhà nước đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận niêm yết, nhà đầu tư tranh mua mã này. Trong phiên giao dịch hôm nay, lượng dư mua ở mức trần của VCB còn khá lớn.

Điều đáng lo ngại đối với thị trường thời  gian qua  tiếp tục diễn ra, đó là thanh khoản thấp. Hôm nay toàn thị trường chỉ có hơn 24,129 triệu đơn vị đươc chuyển nhượng, tương ứng giá trị 483,207 tỷ đồng.

Theo công ty CP Chứng khoán ACB, thị trường hiện tại vẫn chưa có cơ sở để tăng điểm và xu hướng giảm vẫn có thể sẽ còn tiếp tục. Sở dĩ Công ty này đưa ra nhận định như vậy bởi, trong thời thời điểm hiện tại, ngoài các yếu tố vĩ mô về lạm phát và lãi suất vẫn đang là vấn đề lo ngại của giới đầu tư thì nhiều yếu tố nội tại khác của thị trường không mấy tích cực. Đó là, về mặt các yếu tố cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trong quý 1, nhiều trong số họ đạt kết quả kinh doanh kém khả quan và không thể thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong bối cảnh chi phí đầu vào không ngừng gia tăng cộng hưởng với lãi suất đi vay cao khiến nhiều doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn hơn và có khuynh hướng thu hẹp quy mô sản xuất.

Về yếu tố tâm lý, đối với người bán, kỳ vọng lợi nhuận không đạt được trong thời gian qua khiến bên bán ngày càng trở nên bi quan và dần muốn thoát khỏi thị trường; trong khi đó, đối với người mua, kỳ vọng thị trường vẫn tiếp tục đi xuống khiến họ vẫn chưa giải ngân vội. Kết quả là lực bán luôn thắng thế lực cầu và thị trường lao đốc.

Về yếu tố dòng tiền, lãi suất huy động cao đang dần thu hút nhà đầu tư chuyển tiền sang tiết kiệm. Hơn nữa, đến 31/6 tới đây, thời điểm các ngân hàng đồng loạt giảm tỷ lệ cho vay phi tín dụng xuống còn 22% theo quy định đang đến gần khiến cửa vay đầu tư vào thị trường chứng khoán từ ngân hàng cũng bị đóng lại. Các yếu tố trên có thể sẽ tác động làm dòng tiền vào thị trường ngày càng co lại. Thanh khoản một khi chưa được cải thiện thì vẫn khó hi vọng vào sự khởi sắc của thị trường.

Tại thị trường Hà Nội, HNX-Index mất mốc 80 điểm, còn 79,56 điểm, giảm 1,42 điểm (-1,75%). Toàn thị trường có gần 25 triệu đơn vị được sang tay, giá trị là trên 301 tỷ đồng.

Cùng chiều với hai thị trường chính thức, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-1,83%), xuống mức 33,87 điểm. Giao dịch èo uột với chưa đầy 100.000 cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị trên 1 tỷ đồng. 

Thủy Hương