Doanh nghiệp “xuôi tay”, thấy ngay hậu quả

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 17/05/2011

(HNM) - Từ ngày 10-5, 8 tổ công tác liên ngành công an - GTVT Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải hành khách (VTHK) bằng taxi. Chỉ trong 3 ngày đầu, đã có hơn 400 trường hợp vi phạm bị xử lý, 17 xe bị tạm giữ.


Lộn xộn hoạt động taxi

Theo Sở GTVT, hiện thành phố có 113 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực VTHK bằng taxi với hơn 15 nghìn xe. Loại hình vận tải này đã và đang giữ vai trò tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bất kể thời tiết nắng hay mưa, sớm hay khuya, có nhu cầu là khách được phục vụ. Riêng năm 2010, hệ thống taxi đã vận chuyển hơn 40 triệu lượt hành khách.


Bên cạnh 15.000 xe của các doanh nghiệp được cấp phép, vẫn còn khoảng 1.000 “taxi dù” đang hoạt động.  Ảnh: Khánh Nguyên


Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động VTHK của taxi đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây bức xúc dư luận. Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho biết, bên cạnh hơn 15 nghìn xe được cấp phép, còn khoảng 1.000 "taxi dù" đang hoạt động. Đây là loại taxi khiến không chỉ hành khách mà cả cơ quan chức năng bức xúc. Không chỉ "taxi dù", một số DN được cấp phép hoạt động cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ. Điều đó dẫn đến chất lượng xe kém, lái xe không được tập huấn nghiệp vụ, chống đối người thi hành công vụ. Thống kê của Thanh tra Sở GTVT cho biết, 4 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 1.172 trường hợp taxi vi phạm và đáng tiếc là một số hãng lớn cũng có nhiều trường hợp vi phạm. Những lỗi chủ yếu vẫn là dừng đỗ không đúng quy định, sử dụng đồng hồ sai quy định, không dùng đồng hồ tính tiền. Nhiều lái xe bỏ chạy khi bị kiểm tra, cá biệt có lái xe chống người thi hành công vụ. Đại diện không ít hãng cũng bất bình, bức xúc với kiểu làm ăn chộp giật làm xấu hình ảnh taxi. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, chính ông đã không ít lần bị "ăn đòn" của taxi và kể ra nhiều lần bị lái xe tính gian cước bằng cách cho đồng hồ nhảy sai.

Đâu là "bài thuốc" đặc trị?

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực chấn chỉnh hoạt động của taxi nói riêng và VTHK nói chung, nhưng kết quả thu được chưa như ý. Các đợt ra quân rầm rộ chỉ giúp cải thiện tình hình trong thời gian nhất định. Ông Bùi Danh Liên rất ủng hộ chủ trương tăng cường kiểm tra, xử lý để chấn chỉnh hoạt động này và đề nghị các cơ quan chức năng công bố tên lái xe, tên hãng xe vi phạm. Với những đơn vị vi phạm nhiều thì không cho tăng số lượng xe, nếu vi phạm nghiêm trọng thì cần đình chỉ hoạt động. Ông đề nghị cơ quan chức năng gửi danh sách lái xe nhiều lần vi phạm cho Hiệp hội để tổ chức này kiến nghị DN có biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm.

Đó là những kiến nghị rất đáng quan tâm, nhưng để đưa hoạt động của taxi vào quy củ, việc kiểm tra, xử lý xem ra là chưa đủ. Điều quan trọng là phải tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của DN. Hoạt động vận tải là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng nhìn chung công tác quản lý của nhiều DN khá lỏng lẻo. Không ít DN chỉ đứng ra xin phép, kêu gọi người lái góp xe dưới dạng cổ phần để hợp thức hóa rồi phó mặc. Trong thực tế đã có chuyện khôi hài là khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, chính lái xe cũng không tìm được trụ sở DN, Thanh tra GTVT tìm mỏi mắt cũng không thấy DN. Rõ ràng, công tác quản lý có vấn đề khiến việc xử lý vi phạm của taxi chưa đạt kết quả như mong muốn. Chỉ khi có biện pháp quản lý chặt chẽ, buộc DN có trách nhiệm với hoạt động của mình thì tình trạng nêu trên mới thực sự chấm dứt. DN thiếu quan tâm, không có hệ thống kiểm tra, giám sát thì chẳng khác gì "thả gà" cho cơ quan chức năng đuổi.

Nguyễn Đức