Nhiều bệnh “tấn công” người già và trẻ nhỏ

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:06, 17/05/2011

(HNM) - Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lúc nắng nóng, lúc trở lạnh lại thêm những cơn mưa chuyển mùa như hiện nay rất


Trong mấy ngày qua, tình trạng quá tải đã xảy ra ở khoa Khám bệnh của các bệnh viện (BV) lớn như: Bạch Mai, Việt - Đức, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang... Dự báo tới đây, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp và bất thường nên người dân sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh tật tấn công.

50% số trẻ bị bệnh là viêm đường hô hấp


Ảnh minh họa


Số trẻ đến khám trong mấy ngày gần đây tăng đáng kể ở BV Nhi TƯ, cụ thể là khoảng từ 1.200 đến 1.500 trẻ mỗi ngày, trong khi khả năng đáp ứng cho phép chỉ từ 800 đến 1.000 trẻ. BV Xanh Pôn cũng đón nhận từ 500 đến 700 trẻ/ngày (khả năng đáp ứng là khoảng 300 trẻ/ngày). TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, số bệnh nhi vào khám tại đây cũng bắt đầu tăng gấp 2 - 3 lần. Quá tải số lượng bệnh nhân dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, trung bình mỗi bác sỹ phòng khám phải khám, chữa bệnh cho từ 100 đến 120 trẻ trong khi để công tác khám, chữa bệnh đạt chất lượng thì mỗi bác sỹ chỉ có thể khám từ 15-25 bệnh nhân/ngày. Bệnh nhi vẫn phải nằm ghép 2, 3 cháu một giường. Quá tải không chỉ gây mệt mỏi cho cha mẹ trẻ mà ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Giường nằm chật chội, bác sĩ làm việc quá sức khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo bác sỹ Lê Thanh Hải, căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ trong tiết trời này là viêm nhiễm đường hô hấp, chiếm 50% số trẻ đến khám. Những trẻ bị nhiễm siêu vi (còn gọi là cảm cúm) với biểu hiện sốt nhẹ, ho, sổ mũi, hắt hơi, thường sẽ tự khỏi sau vài ngày, chỉ một số ít có biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý, nhiễm cúm A/H1N1 cũng là một dạng nhiễm siêu vi, cho nên phải theo dõi trẻ cẩn thận. Nếu trẻ sốt cao không hạ, ho nhiều, khó thở nên đưa trẻ đến BV khám. Một số trẻ sốt, đau họng, nuốt khó, buồn nôn... đến khám được chẩn đoán viêm họng. Thủ phạm là vi trùng Streptococcus bêta tan huyết nhóm A. Vi trùng này gây viêm họng nhưng có thể gây viêm tim dẫn đến suy tim, viêm cầu thận cấp. Khi thấy trẻ đi tiểu có máu, phù và cao huyết áp cần phải nhập viện để điều trị và theo dõi. Ngoài hai thể viêm nhiễm trên, viêm mũi dị ứng, viêm tiểu phế quản, thanh quản, hen suyễn xảy ra nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi.

Người già: Sử dụng thuốc phải theo chỉ định

Theo bác sỹ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y), viêm khớp gối là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất ở người cao tuổi trong thời tiết này. Lý do cơ bản là do xương bị thoái hóa, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Không khí lạnh, các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn máu. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.

Đau lưng là bệnh thứ hai người già hay mắc khi thời tiết chuyển mùa, chủ yếu do thoái hoá xương cột sống. Đau lưng vào những ngày này gây ra hiện tượng khó nằm, khó ngủ, nằm đau, ngồi cũng đau. Biện pháp xoa bóp là hiệu quả nhất vì nó làm tăng lượng máu lưu thông đến vùng bị tổn thương (xoa bóp chính giữa cột sống và khối cơ hai bên ở vùng thắt lưng). Việc sử dụng thuốc giảm đau tỏ ra công hiệu nhưng phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ vì những loại thuốc trị xương khớp thường có nhiều tác dụng phụ.

Khí hậu giao mùa không chỉ thuận lợi cho sự phát triển của yếu tố gây bệnh mà còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vào những lúc trở trời, cơ thể thường kém ăn, khó chịu, hệ miễn dịch yếu đi nhiều nên rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, người già và trẻ em cần phải nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, phải có chế độ nghỉ ngơi, tập thể dục thể thao hợp lý. Đặc biệt, sau các trận mưa, muỗi sẽ sinh sản nhiều, dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết với biến chứng tử vong cao nên khi ngủ phải dùng màn, thường xuyên vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

Trúc Linh