Sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư: Có cũng như không!
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:16, 17/05/2011
"Sân vui chơi trẻ em" ở phường Kim Mã đã biến thành chợ cóc. |
Ở nội thành Hà Nội, nhà cửa san sát, chật hẹp nên có được một khoảng đất trống để làm sân chơi là vấn đề rất khó khăn. Cũng có những khu tập thể, cụm dân cư dành một, hai khoảnh đất từ 200m2 đến 400m2 để người già, trẻ em có nơi vui chơi, tập thể dục. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sân chơi ở các khu tập thể, cụm dân cư lại đang bị cá nhân chiếm dụng. Tại quận Ba Đình, khu tập thể Đại học GTVT (phường Ngọc Khánh), sân chơi trẻ em đã biến thành bãi trông giữ xe. Hay như ở khu vực dân cư số 6 Vạn Phúc (phường Kim Mã), một khoảnh sân có gắn biển hiệu "Sân vui chơi trẻ em" hẳn hoi, thế nhưng lâu nay đã biến thành "chợ cóc", vừa ồn ào, vừa gây tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ở phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) có nhà văn hóa khang trang, khoảng sân trống thoáng mát dưới bóng những hàng cây lại đang được tận dụng làm… gara ô tô. Khu vực tập thể dân cư D3, D4, D5 phường Giảng Võ (Ba Đình) cũng trong tình trạng có sân tập thể như không vì cả 3 sân (đều rộng tới 400-500m2), có hàng cây, ghế đá, cầu trượt nhưng đều đã biến thành nơi bán hàng ăn, quán nước, bãi để xe. Thức ăn thừa, rác thải vương vãi khắp nơi, nhớp nháp, bẩn thỉu. Một góc sân nhà D4 lại đang là khu bếp núc riêng của quán bún, phở…
Hay như ở khu nhà D8, phường Thành Công (quận Ba Đình), có khoảnh sân diện tích gần 200m2, nhưng vài tháng trở lại đây cũng bị một số cá nhân chiếm dụng làm quán hàng ăn từ 16h đến nửa đêm, gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân. "Sân bị chiếm dụng, hè năm nay không biết cho các cháu tập thể dục, sinh hoạt ở đâu?", nhiều người dân nhà D8 bức xúc nói.
Ngoại thành Hà Nội đất rộng, có những địa phương quan tâm, dành nhiều khoảng trống làm sân chơi cho người già và thanh, thiếu niên. Ở xã Tiền Yên (Hoài Đức), cả 2 thôn có tới 4 sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá, 5 xóm dân cư có sân tập thể, ngoài ra sân đình, sân trụ sở UBND xã cũng được tận dụng làm sân tập thể dục thể thao. Xã còn thành lập được 2 CLB bóng chuyền với 60 thành viên, thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu với một số xã lân cận như Cát Quế, An Khánh… Ông Đinh Thế Khải, Chủ tịch UBND xã Tiền Yên khẳng định: "Chúng tôi rất quan tâm đến hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi của người già, trẻ em ở địa phương. Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, xã Tiền Yên không có trường hợp trẻ em đi tắm sông, tắm ao bị chết đuối hoặc leo trèo cây bị ngã…". Tuy nhiên, không phải vùng nông thôn nào cũng được như vậy. Nhiều nơi không bố trí được điểm vui chơi cho trẻ em. Có nơi có sân chơi nhưng lại sẵn sàng bị "trưng dụng" vào việc của… người lớn. Thậm chí, tại thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, một số hộ kinh doanh VLXD còn thường xuyên lấy sân chơi trẻ em của thôn làm nơi tập kết gạch, cát, tre, nứa… để kinh doanh.
Hà Nội hiện có hơn 2.100 điểm vui chơi dành cho trẻ em, tuy nhiên chỉ có hơn 30% trong số đó có trang thiết bị sơ sài như đu quay, cầu trượt… nhưng đều đã bị xuống cấp, nhiều điểm chỉ là khoảnh đất trống. Không có sân chơi, thiếu nơi tổ chức các trò chơi bổ ích, lành mạnh, việc trẻ em nội thành phải ra giữa đường đá bóng, chơi cầu lông, trẻ em ngoại thành ra tắm ở các sông, ao, hồ… là phổ biến và rất nguy hiểm. Một số trẻ khác lại "nhốt" mình vào các "sân chơi" cửa hàng cho thuê truyện tranh, quán internet… tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không lành mạnh. Do không có sân chơi, trẻ em không có điều kiện vận động rèn luyện sức khỏe, không tham gia các hoạt động giao lưu tập thể, đoàn thể sẽ thiếu cả sức sống lẫn vốn sống, không có điều kiện hoạt động tập thể, dễ dẫn đến không có ý thức cộng đồng…
Sân chơi không chỉ là nơi vui chơi giải trí, thể dục thể thao của người già, trẻ em mà còn là "lá phổi xanh" mang lại bầu không khí trong lành, thoáng mát cho cả khu dân cư, không thể vì bất cứ lý do gì mà bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Kỳ nghỉ hè năm học 2011 đã cận kề, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến việc này để góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho các cháu và cả người dân trên địa bàn nói chung.