Bài 2: Người trọn đời tâm huyết với Thủ đô
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:41, 17/05/2011
Ông Mai Quốc Hân, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phương bộc bạch: Khi cụ Trần Duy Hưng đi hoạt động cách mạng và làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội thì tôi vẫn là một cậu bé. Tuy không biết nhiều về cụ nhưng người dân xã tôi luôn tự hào và noi gương người cán bộ đức độ, tài năng, một vị đại biểu Quốc hội gần dân và yêu thương dân nhất...
Con đường được đặt tên Trần Duy Hưng để người dân Thủ đô ghi nhớ một tấm gương sáng về tài năng, đức độ của ông. Ảnh: Khánh Nguyên |
Ngôi nhà cổ nơi cụ Trần Duy Hưng một thời sinh sống nằm ở xóm 6 làng Hòe Thị. Qua năm tháng, bức tường gạch đã rêu phong nhưng vẫn còn đó nếp nhà với giàn bầu, bể nước. Anh cán bộ văn hóa xã Xuân Phương dẫn tôi đi một vòng quanh nhà rồi bảo "Con cháu cụ giờ không ở đây. Căn phòng này làm nhà thờ". Tôi mạnh dạn gõ cửa. Một bà cụ ngoại thất thập, tóc bạc phơ lập cập đi ra. Dù hơi nghễnh ngãng nhưng nghe nhắc tới bác sĩ Trần Duy Hưng, bà lão móm mém hoạt bát tự hào hẳn lên: "Tôi là Phí Thị Tâm, là hàng cháu họ xa của bác Hưng. Bác ấy giỏi lắm. Ba mươi mấy năm làm Chủ tịch thành phố Hà Nội, lại còn là đại biểu Quốc hội mấy nhiệm kỳ nữa. Ngày tôi còn bé, bác thường về đây dạy chúng tôi đi làm cách mạng. Bác Hưng là tấm gương sáng về tài năng, đức độ mà cả họ chúng tôi noi theo". Dù không nhớ tường tận từng chi tiết nhỏ, nhưng câu chuyện về nhân vật lịch sử, bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn hiện về trong ký ức bà.
Cụ Trần Duy Hưng sinh năm 1912, qua đời năm 1988. Sinh ra trong một gia đình trung nông, gia giáo ở làng Hòe Thị, ngay từ nhỏ cụ đã là một cậu bé rất cần cù và thông minh. Tài cao, học rộng, năm 30 tuổi, cụ đã trở thành bác sĩ giỏi, cùng em gái mở bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người. Không chỉ nổi tiếng về tài năng, cụ được đồng nghiệp và nhân dân kính trọng bởi tấm lòng của người thầy thuốc, cứu nhân độ thế, cứu giúp dân nghèo. Cũng chính tại cơ sở khám chữa bệnh này, bác sĩ Trần Duy Hưng đã khám chữa, chở che nhiều cán bộ Việt Minh thoát khỏi sự truy lùng của địch. Có lần, quân Nhật lần theo dấu vết của một chiến sỹ cộng sản tìm đến phòng khám của cụ. Nể trọng, kính phục bác sĩ Trần Duy Hưng, quân Nhật tự rút lui trong khi người lính cộng sản và khẩu súng vẫn an toàn trong phòng khám.
Tiếng lành đồn xa, tấm lòng sắt son vì dân, vì nước của bác sĩ Trần Duy Hưng được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Theo sử sách, sau Lễ Quốc khánh 2-9-1945 ít ngày, Bác Hồ đã tìm đến tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng thành phố Hà Nội. Vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao, bác sĩ Trần Duy Hưng đáp: " Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm..." Nghe vậy, Bác Hồ động viên: " Tôi có quen làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen...".
Được Bác Hồ và mọi người ủng hộ, động viên, bác sĩ Trần Duy Hưng nhận lời. Đêm Giao thừa năm Bính Tuất (1946), cụ cùng Bác Hồ tới thăm xóm thợ nghèo. Hình ảnh vị Chủ tịch nước băng giá rét đến thăm từng gia đình đón Tết in đậm trong tâm khảm người cán bộ lãnh đạo thành phố mới ngoài 30 tuổi. Có lẽ vì thế mà sau này bao giờ cụ cũng là người gần dân, yêu dân và hiểu dân.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Năm 1954, cụ làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Đến tháng 10-1954, cụ lại được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô, sau này là UBND thành phố Hà Nội. Trong suốt 32 năm giữ cương vị Chủ tịch thành phố, thành công lớn nhất của cụ là tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ vừa là đại biểu vừa là người đưa ra quyết sách quan trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ở nước ta. Từ những cuộc tiếp xúc với cử tri, nhờ trả lời tốt tất cả các câu hỏi của người dân, bác sĩ Trần Duy Hưng đã giúp liên danh của Chính phủ tại Thủ đô giành được 6 ghế ở Quốc hội khóa I, trong cuộc đọ sức với 180 ứng cử viên của các tổ chức khác. Vừa là Chủ tịch thành phố vừa là đại biểu Quốc hội nhưng cụ là người miệng nói tay làm. Hẳn người dân Hà Nội không thể quên hình ảnh vị lãnh đạo thành phố xắn quần lội ruộng thăm lúa cùng bà con, nông dân đi vào những nơi bùn lầy, nước đọng để cùng người dân Thủ đô sửa sang, xây dựng thành phố xanh - sạch- đẹp.
Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bom đạn đánh sập biết bao nhiêu căn nhà. Khi ấy, người ta lại thấy cụ cùng nhân dân cứu người bị thương, khắc phục hậu quả. Đã nhiều lần ông tự tay đi gom xác nạn nhân rồi cùng chính quyền địa phương tổ chức mai táng.
Có lần, bác sĩ Trần Duy Hưng tâm sự với các con: "Nhiều người có thể làm được việc đó nhưng nếu nhìn cha làm, người dân sẽ bớt hoảng loạn vì ông Chủ tịch đang ở đây. Vào lúc cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ngay ở bên cạnh mình".
Trong ký ức các chiến sỹ công an, tự vệ Hà Nội năm xưa vẫn còn nguyên hình ảnh vị Chủ tịch thành phố xông vào bom rơi, đạn nổ để tham gia cứu nạn trong các cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ.
Là Chủ tịch thành phố nhưng cụ vô cùng giản dị và gần gũi với nhân dân, đó cũng là lý do vì sao cụ hoàn thành sứ mệnh đại biểu Quốc hội qua rất nhiều nhiệm kỳ. Là Chủ tịch thành phố, song việc cụ tiếp và giải quyết việc dân bức xúc ở nhà riêng là chuyện bình thường. Thậm chí, trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, ngân khố hạn hẹp nên nhiều cuộc tiếp đón khách ngoại giao, gia đình vị Chủ tịch thành phố phải lo.
Nhờ tài đức của vị Chủ tịch thành phố, Hà Nội đã có những bước đi mạnh mẽ. Cụ là người dẫn dắt để nông nghiệp Thủ đô có năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Các hoạt động công- nông-thương nghiệp luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là nơi đầu tiên có mô hình làm nhà lắp ghép, rồi từ đó nhân rộng ra.
Cho đến tận bây giờ, các nhà hoạch định chính sách mới nghĩ tới chuyện xây dựng Thành phố bên sông Hồng. Thực ra, ý tưởng này đã nhen nhóm trong đầu vị Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng từ những năm 1960. Đã có lần cụ thắc mắc với đồng nghiệp: "Vì sao cơ cấu kiến trúc tổng thể lại quay lưng với sông Hồng? Chúng ta phải tìm hiểu, làm mới để sông Hồng rộng lớn thành một thực thể của Hà Nội".
Để có ý tưởng đó, cụ phải là người có kiến thức uyên thâm, tâm huyết và thực sự có một tình yêu vô bờ bến với Hà Nội. Tưởng nhớ công ơn cụ, thành phố Hà Nội đã đặt tên đường phố Trần Duy Hưng, một trong những con đường đẹp của Thủ đô, con đường dài tới 1.600m, nối trung tâm với khu vực phía Tây Nam thành phố.
Ông Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phương cũng vui mừng thông báo với chúng tôi, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, huyện Từ Liêm và chính quyền xã đã bàn giao cho gia đình cụ Trần Duy Hưng thửa đất hơn trăm mét vuông tại làng Hòe Thị để xây dựng Nhà tưởng niệm. Khi chúng tôi về mục sở thị, khu Nhà tưởng niệm cụ Trần Duy Hưng đã cơ bản hoàn tất. Nơi đây sẽ trưng bày những kỷ vật của cụ vừa để tưởng nhớ công ơn cụ, vừa là nơi giáo dục truyền thống cho con cháu.