Nhìn nhận thấu đáo để đi đúng hướng
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:35, 08/11/2022
2. Khắc phục tình trạng “khô Đoàn”, tức hoạt động Đoàn phải có sức hút với thế hệ trẻ hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay. Đây cũng cần được xem là một trong những nội dung quan trọng để khắc phục bệnh “nhạt Đảng” trong thế hệ trẻ “từ sớm, từ xa”, góp phần vào xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Để làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng kể trên, điều đầu tiên phải đặc biệt coi trọng là thường xuyên, liên tục tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ. Trong đó, Đoàn thanh niên các cấp cần chủ động tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 25-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức sáng tạo, có tính thuyết phục cao; gắn giáo dục mục tiêu, lý tưởng với Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mục tiêu là giúp thanh niên phải được đào tạo, giáo dục toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tri thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe… để thích nghi với toàn cầu hóa.
Tiếp đó là xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn thanh niên tiêu biểu về mọi mặt. Muốn vậy, cấp ủy Đảng, Đoàn các cấp phải xác định là “ngôi nhà chung” vững chắc, nơi quy tụ, tập hợp, ươm mầm những tài năng, là chỗ dựa, tin tưởng đối với giới trẻ. Đặc biệt cần có giải pháp cụ thể để thanh niên thấy được các tổ chức này là nơi họ có thể cống hiến và phát huy được tài năng, sở trường. Tổ chức Đoàn các cấp cần chủ động, đa dạng hóa các hình thức hoạt động, phong trào như: Diễn đàn, tọa đàm, các câu lạc bộ… phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên trong kỷ nguyên chuyển đổi số, xã hội số.
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải giữ vai trò là người làm chủ, người giữ trọng trách lớn trong sự phát triển của đất nước, tiên phong, xung kích đi đầu. Cụ thể, Đoàn giúp thanh niên trang bị tốt về tâm thế, trách nhiệm trong vị thế của người làm chủ nước nhà một cách xứng đáng. Có nghĩa phải hiểu về thực trạng đất nước, hiểu về thế mạnh, những cơ hội, thách thức, khó khăn, điểm yếu, trên cơ sở đó phát huy những gì là thế mạnh, hạn chế tối đa những điểm chưa tốt, thúc đẩy thanh niên đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời trang bị cho giới trẻ đủ hành trang như giúp thanh niên có kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc, nền tảng hiểu biết về chính trị đất nước, về văn hóa, kỹ năng xã hội, hiểu biết về thế giới... Những điều đó giúp cho thế hệ trẻ tự tin hơn trong phát huy vai trò làm chủ của mình. Cuối cùng đó chính là hành động. Hiểu đúng, hành trang đầy đủ thì hành động cũng phải có môi trường hợp lý và là điều kiện để thể hiện vai trò của thanh niên.
Các bộ, ngành trung ương và UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện có kết quả Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 17-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu cao trách nhiệm, cùng với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên. Đặc biệt coi trọng đối tượng thanh niên trong các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và thanh niên nông thôn.
Tiếp đến là cần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về kết nạp đảng viên, mà muốn làm tốt thì công tác thanh thiếu niên cần thực hiện tốt hơn. Cụ thể, công tác xây dựng, phát triển đảng viên trẻ từ lực lượng đoàn viên thanh niên phải luôn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy các cấp, của từng đơn vị, địa phương và tổ chức Đoàn cùng cấp. Trong đó, cần lấy điểm nhấn là phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh trung học phổ thông và sinh viên. Coi đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, mà phải từ cấp ủy, tổ chức Đoàn các cấp. Đặc biệt, các đồng chí bí thư cấp ủy, hiệu trưởng các nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.
Trong quá trình phát triển đảng viên mới khối trường học, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn; song cần linh động, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên, học viên có điều kiện và mong muốn được tham gia, trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng và đi đến kết nạp những người xứng đáng, có sức hút, có sự lan tỏa. Các trường cũng cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên, học viên; thông qua công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên khối trường học để khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.
Một nội dung khác không thể thiếu là phải tiếp tục đề cao, nhấn mạnh vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên. Phải nhận thức đầy đủ nhà trường và xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp giới trẻ nhận thức được những việc nên làm và nên tránh. Nhà trường cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, đa dạng các hình thức đối thoại, tọa đàm giữa học sinh, sinh viên, học viên với các cấp ủy, tổ chức Đoàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các em.
Trong khi đó, môi trường gia đình là “bờ đê chắn sóng” có ý nghĩa quyết định đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một con người; là nơi nuôi dưỡng, hun đúc những lý tưởng, tâm hồn cao đẹp, ý chí vượt khó vươn lên, sống có hoài bão.
Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất như thư viện, phòng đọc, khu vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao; tích cực nhân rộng và có hình thức khen thưởng xứng đáng các gương thanh niên điển hình tiêu biểu trong mọi lĩnh vực. Kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi lệch chuẩn, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt, cần có cơ chế, biện pháp kiểm soát một cách hiệu quả các trang mạng xã hội xấu, độc để giới trẻ không bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động, mua chuộc, vi phạm pháp luật…
Theo số liệu mới nhất của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, hiện nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc gia và quốc tế đang có những chuyển biến lớn về mọi mặt, hơn lúc nào hết, việc củng cố niềm tin của thế hệ trẻ vào Đảng không chỉ góp phần khắc phục bệnh “nhạt Đảng”, “khô Đoàn” mà còn tạo ra nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.