Thử nghiệm hệ thống báo động cảnh báo sóng thần

Công nghệ - Ngày đăng : 19:46, 15/05/2011

Ngày 15/5 tại Trung đoàn Thông tin 575, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phối hợp tổ chức thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Viện Vật lý Địa cầu, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và các ban, ngành liên quan đã chứng kiến buổi thử nghiệm.

Một tình huống giả định khi phía Tây Philippines cách các tỉnh khu vực miền Trung từ 1.800-2.000km xuất hiện trận động đất 8,8 độ Richter có nguy cơ xuất hiện sóng thần và dự kiến trong vòng 2 giờ sau sẽ xuất hiện tại các tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam.

Khi nhận được thông tin trên, trong vòng 2 phút Viện Vật lý địa cầu phát tin động đất tại Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần và tại các trạm trực canh cảnh báo sóng thần hệ thống còi đèn báo tín hiệu cảnh báo động đất sẽ hụ lên. Cùng lúc đó thông tin động đất được nhắn tới các thuê bao điện thoại di động theo danh bạ được chuẩn bị trước.

Tiếp đó, thông tin động đất được truyền tới hệ thống phát thanh trong bán kính khoảng 2km (dối với tháp cảnh báo) và thông qua hệ thống truyền thanh sẳn có của quận, huyện, phường. Sau 8-10 phút qua tính toán cử hệ thống phần mềm Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần phát bản tin số 2 cảnh báo sóng thần và yêu cầu di chuyển, sơ tán. Cùng lúc đó tiếp tục bản tin nhắn thứ 2 đến các thuê bao di động, đồng thời phát qua trạm cảnh báo sóng thần, đài phát thanh thông báo về tin động đất gây sóng thần và yêu cầu di chuyển, sơ tán. Công tác sơ tán của lực lượng bộ đội (Trung đoàn thông tin 575).

Tiếp đến là bản tin số 3 báo an qua hệ thống SMS và phát thanh công cộng, trạm trực canh cảnh báo sóng thần. Buổi thử nghiệm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần đã hoàn thành và đạt yêu cầu đặt ra.

Ngay sau buổi thử nghiệm, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các ngành liên quan đã đánh giá những mặt được và những hạn chế cần khắc phục. Kết luận buổi thử nghiệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã tập trung cao độ trong việc sớm hoàn thành việc chế tạo và lắp đặt 10 bộ thiết bị cảnh báo sóng thàn, chịu được điều kiện môi trường đặc biệt (độ ẩm cao, nhiệt độ cao hơn bình thường, nhiệt độ thấp hơn bình thường...); hoàn thành lắp đặt hệ thống máy tính, phần mềm điều khiển và đưòng truyền tại Viện Vật lý Địa cầu; Hoàn thành việc thiết kế và in 200.000 tờ rơi và 5.000 áp phích tuyên truyền về động đất và sóng thần...

Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành đồng thời ý thức của người dân trong việc phòng chống thiên tai ngày một nâng cao nên đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế những thiệt hại về người vả của mỗi khi có thiên tai xảy ra. Động đất, sóng thần là những mối hiểm nguy không lường hết được vì vậy các ngành chức năng cần tổ chức tốt việc tuyên truyền và phát tờ rơi đến tận người dân ở những vùng có nguy cơ cao của thiên tai. Cần xác định phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, động đất sóng thần là nhiệm vụ thường xuyên của toàn xã hội, toàn dân, có như thế mới hạn chế được thiệt hại.

Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Viễn Thông Quân đội sớm hoàn chỉnh đề án quy hoạch và xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao để trình Chính phủ phê duyệt.

Sau một thời gian khẩn trương triển khai, Tập đoàn Viên thông Quân đội đã nỗ lực, chủ động phối hợp cùng Cục Quản lý Đê điều- Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; Viện Vật lý Địa cầu và sau khi tìm hiểu về hệ thống Cảnh báo sóng thần tại các nước Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và một số nước khác trên thế giới, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã nghiên cứu và xây dựng xong hệ thống thử nghiệm gồm 10 trạm cảnh báo sóng thần tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có 2 trạm tại 2 đài trực canh Đồn Biên phòng Sơn Trà và Trung đoàn Thông tin 575; 2 trạm cảnh báo tự động tại các Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn và quận Liên Chiểu; 6 trạm bán tự động tại các xã, phường, khách sạn Furama.

Đơn vị cũng đã xây dựng thành công hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý Địa cầu. Kết nối hệ thống tiếp nhận thông tin Cảnh báo sóng thần tại Viện Vật lý Địa cầu với Hệ thống điều khiển, quản lý cảnh báo. Xây dựng thành công Hệ thống điều khiển, quản lý cảnh báo tập trung (đặt tại Viettel). Xây dựng xong cơ chế chuyển tải thông tin cảnh báo đến từng vùng, từng tỉnh, thành phố ven biển dựa trên hạ tầng Viễn thông rộng khắp của Viettel.

Hệ thống luôn đảm bảo sẵn sàng về mặt kết nối trong mọi tình huống. Hoàn thành nghiên cứu, sản xuất thiết bị tiếp nhận thông tin tại các trạm cảnh báo. Kiểm tra độ bền của các trạm cảnh báo trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, và khả năng chịu va đập, rung sóc khi có động đất. Hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo động tới người dân thông qua hệ thống còi ủ, loa công suất lớn, đèn cảnh báo và đồng thời tới lãnh đạo địa phưong qua tin nhắn SMS.

Sau khi thử nghiệm thành công và hoàn chỉnh đề án, theo chủ trương của Chính phủ đề án sẽ được triển khai các giai đoạn tiếp theo tại các tỉnh, thành có nguy cao về động đất, sóng thần./.

TTXVN