Thiệt đủ đường
Thể thao - Ngày đăng : 06:32, 15/05/2011
Thành phần đội tuyển Việt Nam dự giải gồm một trưởng đoàn, một HLV và 4 tay vợt hàng đầu là Đoàn Kiến Quốc (Petrovietnam), Trần Tuấn Quỳnh (T&T Hà Nội), Đinh Quang Linh, Nguyễn Thành Luân (Quân đội). Nếu so với đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam dự giải vô địch đồng đội thế giới cách đây hơn nửa năm thì đã phong phú hơn hẳn. Khi đó, đội tuyển Việt Nam chỉ có một trưởng đoàn và ba tay vợt là Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, lý do thiếu kinh phí được đưa ra để giải thích cho việc thu hẹp thành phần tham dự đến mức tối thiểu. Bộ ba VĐV Việt Nam tại giải ấy không có dự bị, không có HLV. Lần này, Liên đoàn Bóng bàn và bộ môn Bóng bàn Việt Nam chịu chơi hơn, cử đông người tham dự giải hơn và tất nhiên kinh phí cũng nhiều hơn (ước tính khoảng 50 triệu đồng/người).
Tuy vậy, khi vào giải lại có bất ngờ ngoài bàn bóng. Không rõ vì lý do gì mà có tới 3 tay vợt Việt Nam bị loại ngay vòng sơ loại vì bỏ cuộc, trong đó Thành Luân có 2 trận, Tuấn Quỳnh, Quang Linh cùng 1 trận. Thua vì yếu kém đối thủ lại đi một lẽ, đằng này thua vì bỏ cuộc thì thật khó chấp nhận, nhất là trong bối cảnh bóng bàn Việt Nam đang không dồi dào kinh phí. Khi đoàn Việt Nam chưa về nước và bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) chưa có cách gì liên lạc với thành viên trong đoàn thì có hai cách lý giải chuyện này. Một, là đoàn Việt Nam bị nhầm giờ thi đấu. Chuyện này từng có tại giải vô địch đồng đội thế giới năm 2010. Hai, là mặt vợt của VĐV ta có gắn keo tăng lực (dù vô tình hay hữu ý) và bị máy kiểm tra của BTC phát hiện trước giờ thi đấu. Cuối cùng, chỉ có Đoàn Kiến Quốc không gặp khó khăn khách quan nên dễ dàng qua vòng sơ loại và vào đến vòng 4 của giải. Nếu các VĐV còn lại không vì lý do bỏ cuộc thì đã có cơ hội thi đấu nhiều hơn ở sân chơi lớn nhất của bóng bàn thế giới.
Ngay cả nội dung đôi cũng xảy ra chuyện bất ngờ. Phụ trách bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long khẳng định rằng từ trước giải, đoàn Việt Nam đã đăng ký thi đấu cho cặp Kiến Quốc - Quang Linh; Tuấn Quỳnh -Thành Luân. Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì (có nguồn tin cho rằng do đoàn Việt Nam đến Hà Lan muộn) mà BTC tự xếp Kiến Quốc đứng cặp với Tuấn Quỳnh, Thành Luân đánh cặp cùng Quang Linh. Bộ đôi bất đắc dĩ Kiến Quốc - Tuấn Quỳnh (cả hai cùng thuận tay trái, chuyện hiếm xảy ra khi các HLV xếp cặp VĐV với nhau) với trình độ sẵn có cũng đấu được 4 trận rồi mới bị loại trong khi đàn em Quang Linh - Thành Luân chỉ được một trận là bị loại. Thế là đến ngày thi đấu thứ 3, ngày 10-5, đoàn Việt Nam đã phải làm khán giả (dự kiến ngày 15-5 kết thúc giải và đội tuyển về đến Việt Nam ngày 16-5). Ý nghĩa chuyên môn ở nội dung này của đoàn Việt Nam hầu như không đạt được bởi cặp Kiến Quốc - Quang Linh từ lâu đã là "mặc định" và thực tế đã đạt được thành công nhất định (HCV SEA Games 25, tứ kết ASIAD 16). Không được thi đấu cùng nhau tại giải, coi như mục đích tập huấn, cọ xát chuẩn bị cho các giải quan trọng khác trong năm, nhất là ở SEA Games 26 của bộ đôi này bị phá sản.
Tổng cộng, tại giải này, Đoàn Kiến Quốc thi đấu nhiều trận nhất (10 trận), Trần Tuấn Quỳnh (5 trận), Đinh Quang Linh (2 trận), Nguyễn Thành Luân (1 trận), nếu không vì lý do bỏ cuộc, mỗi tay vợt được thi đấu ít nhất 3 trận (2 đơn, 1 đôi).
Số tiền bỏ ra cho chuyến đi không ít, không biết nên khóc hay cười cho lần ra biển lớn này của bóng bàn Việt Nam?