Ebook có thay được sách giấy?

Văn hóa - Ngày đăng : 05:55, 15/05/2011

(HNM) - Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Vinapo trình làng phiên bản alpha (phiên bản thử nghiệm) của hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezaa. Trước đó, NXB Tri thức tổ chức buổi tọa đàm

Ebook sẽ mang lại những tiện ích gì cho người đọc và liệu nó có thay thế được sách giấy không?

Việc ra đời nhà sách điện tử toàn cầu Alezaa.com giúp các tác giả đưa tác phẩm đến tay độc giả dễ dàng và thuận tiện hơn.


25 nghìn đầu sách và một chiếc Kindle 3
Khoảng 25 nghìn đầu sách đã được ngành xuất bản giới thiệu với công chúng năm qua. Chúng ta có thể mua và chứa được ở trong nhà một phần bao nhiêu của số sách khổng lồ ấy? Chắc chắn là rất nhỏ. Trong khi đó, một chiếc Kindle 3 Wi-fi (một thiết bị chuyên dụng để đọc sách điện tử), chỉ nặng hơn 240 gram lại có thể chứa tới 3.500 đầu sách. Dung lượng lớn, gọn nhẹ, có thể mang cả "tủ sách" đi mọi lúc mọi nơi, đó là những tiện ích cơ bản nhất khiến cho ebooks (sách điện tử) đang dần được ưa chuộng. Các nhà phát hành sách điện tử còn giới thiệu hàng loạt tiện ích khác như khả năng "cá nhân hóa cuốn sách" của người đọc như đổi phông chữ, ghi chú, tự động dàn trang, tích hợp hình ảnh, audio, video… Theo điều tra của Amazon.com vào tháng 7-2010, cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Còn theo Google, vào thời điểm tháng 3-2011, có đến 59% số người được hỏi cho biết họ sử dụng các thiết bị đọc sách điện tử nhiều hơn đọc sách giấy. Ở nhiều nơi công cộng tại Việt Nam, hình ảnh một đứa trẻ hí hoáy đọc truyện tranh trên iPad đã không còn là chuyện lạ. Mai Clara Farnhammer - học sinh trường Quốc tế Liên hợp quốc UNIS tại Việt Nam cũng quen với đọc sách điện tử như việc sử dụng sách giáo khoa điện tử trong laptop ở trường học của em.

Các nhà văn và ebooks
Vinapo cho biết vào tháng 8-2011, đơn vị này sẽ phát hành phiên bản chính thức của nhà sách điện tử toàn cầu Alezaa.com. Hiện Vinapo đang trao đổi với các tác giả để tiến hành số hóa tác phẩm văn học với cam kết "Sẽ bảo vệ tác quyền sách điện tử thông qua việc mã hóa và các phương thức chống sao chép hiện đại". Thỏa thuận theo hợp đồng giữa nhà sách với tác giả được thực hiện theo phương thức: 30% giá bìa trên Alezaa thuộc về phí đường truyền, phí dịch vụ, thuế… Còn lại 70% giá bìa sẽ đem chia 50/50 cho nhà sách và tác giả.

Dịch giả Lê Bá Thự cho rằng đây là một phương thức mới đối với bạn đọc hiện đại, đồng thời giúp tác giả đưa tác phẩm đến tay độc giả dễ dàng hơn, góp phần cân bằng giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn. Nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai cũng chia sẻ với Hànộimới: "Alezaa có gửi hợp đồng mời tôi tham gia, tôi nghĩ đây là một phương thức tốt có lợi cho đôi bên, nhà phân phối và nhà văn. Với riêng thơ, việc phát hành hiện nay khá khó khăn. Đây sẽ là một kênh đưa thơ nói riêng và văn học nói chung tới với bạn đọc, nhất là bạn đọc ở nước ngoài. Sách điện tử cũng giúp khắc phục tình trạng nhiều tác phẩm văn học in giấy đã hết, mà không biết tìm mua ở đâu…"

Được biết, nhà sách điện tử này sẽ cung cấp cho tác giả có sách phát hành ở đây một tài khoản để truy cập. Qua đó, tác giả sẽ có thể tự kiểm tra và kiểm soát được có bao nhiêu người mua sách của mình.

Ebooks có thay thế sách giấy?
"Tiềm năng lớn" và "xu thế mới" là những cụm từ được dùng chỉ sách điện tử. Tuy nhiên, đa số người đọc nhận định rằng nó khó lòng thay thế tuyệt đối sách giấy. Vì sao?

Đi kèm với sách điện tử phải có thiết bị như PC, Laptop, Netbook, iPad, iPhone, Playbook… Nhưng không phải người dân nào cũng sẵn sàng bỏ vài triệu đến vài chục triệu để sắm riêng cho mình thiết bị đọc sách hoặc thiết bị hiện đại có chức năng đọc sách… Còn dùng máy điện thoại mà nghiền tiểu thuyết chương hồi thì đúng như có người đã than: "chai hết pin, nhức hết mắt". Ngay cả giới trí thức nói chung cũng chưa quen với cách thức đọc này. Vì đọc sách là một cuộc giao lưu văn hóa, có người thích nằm thả mình trên ghế lật từng trang giấy, có người thích trùm chăn đọc tiểu thuyết… Phương tiện, cách thức mới lạ, việc tiếp nhận nội dung tác phẩm ít nhiều có những ngỡ ngàng, hạn chế. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói: "Sách chứa đựng trong đó những phát minh vĩ đại của loài người như in ấn, giấy. Đó là cả một sản phẩm văn hóa của nhân loại, không dễ gì thay thế được".

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn sách số hóa trôi nổi, thiếu chính xác cũng gây e ngại cho người đọc. Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai bày tỏ: "Tôi hy vọng các nhà sách điện tử tại Việt Nam sẽ có những bước đi chậm mà chắc. Việc chọn lọc tác phẩm tốt để số hóa không chỉ nhằm định hướng văn hóa đọc cho công chúng, mà còn có thể kiểm soát tốt bản quyền sách điện tử, bảo đảm quyền lợi cho tác giả và bạn đọc".

Sách giấy, iPad hay Kindle cũng chỉ khác nhau ở cách thức đọc. Chúng sẽ song song cùng tồn tại trong những điều kiện nhất định của người đọc. Và quan trọng nhất, nói như TS. Nguyễn Mạnh Hùng là cho dù đọc sách điện tử hay sách giấy thì điều cần nhất vẫn là biết lựa chọn đọc gì và đọc như thế nào. Ebooks chỉ có thể góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân Việt Nam khi nó thực sự vượt lên trên hai chữ "tiện ích".

Thi Thi