Bí ẩn Thung lũng Chết
Công nghệ - Ngày đăng : 05:49, 15/05/2011
Đá di chuyển để lại vệt dài trên lòng hồ Racetrack. |
Vùng đất này có diện tích 1.400km2. Nơi thấp nhất so với mặt nước biển là 68m. Năm 1849, một đoàn người đi đào vàng, họ đã lạc vào thung lũng này và mất phương hướng. Để tìm lối ra, họ đã phải trải qua đói khát, sức nóng như thiêu đốt từ ánh nắng mặt trời gay gắt, bị tấn công bởi các loài côn trùng, rắn và bọ cạp. Nhiều người đã vùi xác dưới đáy vực. Đến năm 1941, một đoàn điều tra của Mỹ cũng không may mắn lạc vào đây và không ai sống sót. Tám năm sau đó, một đoàn thám hiểm thâm nhập vào thung lũng và chết vì một sức mạnh chưa được giải thích. Một vài người chạy thoát nhưng chẳng bao lâu họ cũng chết một cách khó hiểu. Cái tên Thung lũng Chết xuất hiện từ đó.
Hiện nay, Thung lũng Chết là một trong những vùng đất có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới. Vào ban ngày, nhiệt độ thường xuyên ở mức 49 độ C, nhưng vào ban đêm nhiệt độ lại xuống thấp đến mức nước đóng băng. Điều khó lý giải nhất ở Thung lũng Chết là những hòn đá "biết đi". Các nhà khoa học cho biết, những hòn đá kỳ lạ này thường xuất hiện dưới đáy của một hồ cạn cổ có tên Racetrack. Từ trước đến nay, chưa một ai có cơ hội quay phim hay nhìn thấy những hòn đá có trọng lượng lên tới hàng tạ trực tiếp chuyển động. Nhìn bề ngoài, những hòn đá này không có điểm gì khác thường, tuy nhiên, cứ mỗi tháng chúng lại có thể tự "đi" được hơn 100m và đường di chuyển không theo quy tắc nào. Điều này đã làm giới khoa học điên đầu suốt 50 năm qua và càng làm tăng thêm vẻ kỳ bí của Thung lũng Chết.
Nhà khoa học Cơ quan hàng không và không gian Mỹ (NASA) Brian Jackson, người kiên trì bám trụ tại Thung lũng Chết trong hơn 4 năm qua cho biết, nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích hiện tượng bí ẩn trên, từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như tốc độ gió cực cao, có thể lên tới 90 km/h, sự hình thành của băng vào ban đêm và những tầng đất sét ẩm trên bề mặt sa mạc đến tác động của những năng lực siêu nhiên. Thậm chí đã có ý chỉ về sự sắp xếp chủ ý của một nhóm người nào đó. Nhưng không giả thuyết nào phù hợp.
Hiện một nhóm các nhà khoa học trẻ đang theo dõi nhất cử nhất động của những hòn đá tại Racetrack. Họ dùng hệ thống vệ tinh GPS để theo dõi và đo đạc chuyển động của các hòn đá, đồng thời chôn các thiết bị hiện đại xuống nền đất trong ba tháng. Nhóm chuyên gia hy vọng sẽ có được câu trả lời thích hợp trong năm nay.