Giảm tải nội đô

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:02, 15/05/2011

(HNM) - Kinh nghiệm của nhiều nước, muốn giải quyết vấn đề bùng nổ đô thị và những hệ lụy phức tạp của nó, cần quy hoạch hợp lý theo hướng giãn dân, giảm tải. Chủ trương chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở tập trung đông người ra vùng đô thị vệ tinh và ngoại ô là phù hợp với hướng này.

Nước ta có một số đô thị lâu đời như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Biên Hòa, Cần Thơ với cấu trúc đa năng, công nghiệp, giáo dục, thương mại, các ngành dịch vụ ở xen kẽ với dân cư. Sự xen kẽ đó làm nảy sinh rất nhiều khó khăn cho việc quy hoạch, cung cấp điện, nước; xử lý rác thải, quản lý giao thông… Trong quá trình phát triển, xu hướng dân cư bỏ nông thôn, tập trung về các đô thị để kiếm việc làm đã trở thành một quy luật, rất nhiều quốc gia đã cố gắng nhưng sau nhiều thập kỷ vẫn chưa giải quyết được. Nhiều chuyên gia dự báo rằng 20 năm nữa, 75% dân cư trên hành tinh sẽ là dân cư đô thị và tỷ lệ này còn tiếp tục tăng thêm. Bởi vậy, xu hướng tích cực là chủ động phát triển đô thị, xây dựng nhiều đô thị vệ tinh để kéo giãn dân cư ở vùng lõi ra ngoại vi. Theo hướng này, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác đã có những bước khởi đầu tích cực.

Hà Nội được thiết kế cho 25 vạn dân nhưng sau hơn một thế kỷ, dân số trong nội đô đã lên đến 1,5 triệu, việc quá tải trong quản lý đô thị là không tránh khỏi. Tuổi thành phố càng cao, dân cư càng đông, quận Đống Đa có dân số 36 vạn, bình quân gần 1.800 người một kilômét vuông, quận Hoàn Kiếm có 32 vạn dân và khu phố cổ nổi tiếng nhưng chính nơi đây cũng là nơi rất bức xúc về mật độ dân cư. Ngoài số người sinh ra tại chỗ, Hà Nội hiện đang có khoảng 60 vạn người từ các địa phương khác về làm ăn, không có hộ khẩu thường trú. Nhưng lý do quá tải còn do hiện nay thành phố có hàng chục vạn sinh viên 25 trường đại học và cao đẳng; hàng nghìn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện; hàng vạn công nhân thuộc 400 xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Di dời các trường đại học, cao đẳng; các cơ quan nhà nước, các bệnh viện lớn, các nhà máy ra khỏi vùng trung tâm đang là bài toán góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; diện tích nhà ở, diện tích cây xanh rất thấp hiện nay. Đó cũng là một giải pháp nhằm phát triển các đô thị vệ tinh, các tỉnh lân cận Thủ đô và vùng tam giác phát triển. Không chỉ các khu đại học cao đẳng sẽ được xây dựng ở Đông Ngạc, Hòa Lạc, Mê Linh thu hút hàng chục vạn người, chỉ riêng dự án xây dựng khu đại học phố Hiến ở Hưng Yên cho các Trường Đại học Thủy lợi, Thương mại, Giao thông, Chu Văn An đã giãn khỏi Thủ đô 8 vạn sinh viên và một vạn cán bộ, công nhân viên các trường này. Trường hợp tương tự khu phố Hiến còn có ở Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Với những tính toán tích cực như vậy, việc giảm tải cho Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác có rất nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giãn dân cho Hà Nội và nhiều thành phố khác trong nước vẫn rất chậm. Sau 10 năm, Hà Nội mới chuyển được một nửa cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi nội đô, còn một nửa nữa, trong đó có những nhà máy như xà phòng, thuốc lá, dệt nhuộm… chưa có dấu hiệu sẽ di dời sớm. Các trụ sở của nhiều bộ sau hàng chục năm đã xây xong nhưng cho đến nay chưa bộ nào chuyển ra khỏi khu trung tâm; các trường đại học đều đã có qui hoạch, được cấp đất nhưng cũng chưa có trường nào từ bỏ trụ sở cũ. Lý do được nêu lên có nhiều, từ vốn xây dựng, sắp xếp nơi ăn chốn ở, việc thanh lý các trụ sở cũ… nhiều trường hợp, không chỉ chuyển nhượng đất đai cho những cơ sở mới thu hút dân không kém trước mà nhiều trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan hành chính vẫn giữ trụ sở cũ đồng thời với việc được xây dựng thêm "cơ sở 2" ở ngoại thành.

Có thể có nhiều quan điểm trong tính toán ở nhiều phía nhưng chậm một ngày di dời, thành phố thêm phức tạp, tốn kém. Điều kiện đất đai đã có, nên vì lợi ích chung để các phương án chuyển dần ra ngoại thành sớm được hoàn tất.

Vũ Duy Thông