Chỉ “Tháng hành động” thôi, chưa đủ!
Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 14/05/2011
Như vậy có thể nói chúng ta đã sớm nhận thức đúng đắn về quyền được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, cộng đồng, gia đình, cá nhân đối với sự phát triển của trẻ.
Vậy nhưng tại sao các hiện tượng và sự việc như trẻ bị đánh đập, gặp tai nạn đáng tiếc... vẫn xảy ra, ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng?
Thiếu hệ thống pháp lý
Công ước quốc tế về quyền trẻ em nêu các nhóm nguyên tắc như không phân biệt đối xử với trẻ, trẻ có quyền được bảo vệ và chăm sóc, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành, quyền được sống trong môi trường lành mạnh… Đây là cơ sở khung, là tiêu chí để các quốc gia tham gia Công ước xây dựng hệ thống pháp luật của mình về quyền của trẻ em.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2005, gồm 60 điều, với những quy định về quyền và bổn phận của trẻ như quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và bổn phận, trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với trẻ... Tuy nhiên, nếu vi phạm những trách nhiệm và bổn phận đó sẽ phải gánh chịu hậu quả gì, nghĩa vụ pháp lý ra sao thì luật này lại không đề cập tới. Luật Hôn nhân và gia đình dành hẳn chương IV quy định về quan hệ giữa cha mẹ và con, buộc bố mẹ, gia đình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Bộ luật Dân sự bảo vệ quyền được thừa kế, quyền được giám hộ của trẻ. Bộ luật Hình sự có những điều khoản quy định khung hình phạt nặng hơn đối với những tội phạm có nạn nhân là trẻ em nhưng những hình phạt này mới chỉ nhằm vào những đối tượng trực tiếp gây hại như đánh đập, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em. Còn những việc do người lớn vô tình hoặc thiếu ý thức trách nhiệm đã để trẻ sống trong môi trường thiếu an toàn, lành mạnh dẫn đến trẻ chịu hậu quả xấu về tinh thần, thể chất thì sao? Ví dụ như việc các hộ gia đình ở chung cư cao tầng, cha mẹ hoặc người trông nom do chủ quan, để trẻ ở nhà một mình, tự mình leo trèo rồi ngã từ ban công ở tầng cao xuống đất. Hoặc như gần đây, một gia đình kinh doanh xăng dầu do bận việc để con gái 9 tuổi bán xăng cho khách, dẫn đến đổ xăng, gây bỏng nặng cho con trai 4 tuổi. Rồi công viên, vườn hoa… đầy rẫy kim tiêm chích đã sử dụng, sân chơi của các KTT la liệt bếp than tổ ong rực lửa… cũng là những cái bẫy hết sức nguy hiểm với trẻ. Khi có hậu quả xảy ra, dư luận xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thương xót, chia sẻ và chưa thấy có trường hợp nào bố mẹ, người chăm sóc trẻ phải chịu trách nhiệm pháp lý về sự tắc trách của mình. Phải chăng vì là bố, mẹ rồi nên họ đương nhiên được nhìn nhận là "nạn nhân" và cũng đáng thương như con cái của mình? Đây là cách nhìn sai lầm, khiến các ông bố, bà mẹ chưa chú trọng đúng mức việc tạo môi trường an toàn cho con cái.
Tâm lý thiếu tôn trọng trẻ em
"Tôn trọng" có lẽ là từ ít được nhắc đến nhất trong các cách ứng xử dành cho trẻ. Cảnh một bà mẹ vừa bón cơm cho con 3 tuổi vừa bóp miệng để bắt bé nuốt nhanh, hay bố mẹ cãi vã, đánh chửi nhau không đếm xỉa đến sự hiện diện của con cái, trẻ tan học bị mắng, đánh ngay trước cổng trường vì bị điểm kém hay trốn học đi chơi… là điều thường gặp ở các khu dân cư, trên đường phố. Ngay trong cơ cấu cơ quan quản lý nhà nước cũng có sự thiếu tôn trọng trẻ. Trong khi trẻ em chiếm tới 1/3 dân số thì ở cấp xã, phường chỉ có một cán bộ phụ trách công tác xã hội, bao gồm cả tử tuất, người già và trẻ em… Hệ thống nhà tình thương, trung tâm bảo trợ xã hội còn ít với năng lực nhận và nuôi dưỡng trẻ quá nhỏ so với đòi hỏi của thực tế cũng khiến cho những em nhỏ đã và đang phải sống cùng gia đình bạo lực, bố mẹ bạo hành cũng không có điều kiện được tách ra để được cộng đồng bảo vệ. Việc các "nhà trẻ" bị xóa sổ, các trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18, thậm chí 24 tháng tuổi cũng cho thấy cộng đồng chưa thể hiện hết trách nhiệm trong việc chăm sóc trẻ. Những đứa trẻ từ 4 tháng (là thời gian người mẹ phải quay trở lại làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động) đến lứa tuổi trên đang bị thả lửng, dẫn đến bị phó mặc cho những nhóm, lớp trẻ tự phát cùng những bảo mẫu không có chuyên môn và trách nhiệm.
Chị Nguyễn Thanh Tâm (phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm) trăn trở: "Nơi tôi cư trú có rất nhiều khu tập thể lớn nhưng qua năm tháng, diện tích sân chơi chung ngày càng bị thu hẹp do các hộ xây dựng lấn chiếm. Trẻ đá bóng, đi xe đạp, nhảy dây... ở phần sân chật hẹp còn lại thường bị người lớn rầy la, do đó chúng chỉ còn biết làm bạn với truyền hình và internet"...
Điều này cho thấy, để trẻ em có một môi trường thực sự lành mạnh để sống và phát triển, cần có sự quan tâm rất lớn của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Sự quan tâm này phải là từng phút, từng giây, nếu chỉ gói gọn mỗi năm một lần trong "Tháng hành động vì trẻ em" thì chưa đủ.