Luật chưa theo kịp thực tế
Đời sống - Ngày đăng : 06:31, 14/05/2011
Hiện cũng chỉ có khoảng 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý theo qui định. Ngoài ý thức của người dân chưa đầy đủ, có một nguyên nhân quan trọng đó là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là văn bản hướng dẫn ban hành quá chậm.
Khu xử lý nước thải của Công ty Sữa Vinamilk. |
Khảo sát của cơ quan chức năng tại các TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và tỉnh Nghệ An, địa phương nào cũng có vi phạm pháp luật về môi trường. Đáng quan tâm, kết quả khảo sát cho thấy số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các vi phạm pháp luật về môi trường phổ biến là vi phạm các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (chưa được phê duyệt hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường); về xử lý chất thải, nước thải (chủ yếu ở các khu công nghiệp, làng nghề); về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên nhiên liệu, vật liệu, phế liệu… Chỉ tính riêng năm 2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 6.533 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 102 vụ, 124 đối tượng, phạt tiền trên 52,2 tỷ đồng. Tính từ khi lực lượng này triển khai hoạt động (hơn 4 năm qua) đã phát hiện trên 10.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, số vụ bị phát hiện, điều tra, xử lý năm sau cao gần gấp rưỡi năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến số vụ vi phạm về môi trường có xu hướng tăng là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là văn bản hướng dẫn được ban hành quá chậm. Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2005, nhưng đến tháng 12-2010 mới có Nghị định về xác định thiệt hại về môi trường. Hay trong lĩnh vực hình sự, Bộ luật Hình sự năm 1999 dành hẳn một chương qui định các tội phạm về môi trường, nhưng 10 năm sau, có lĩnh vực các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn. Từ ngày 1-1-2010 Bộ luật Hình sự được sửa đổi có hiệu lực thi hành, nhưng nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa được giải quyết triệt để như chưa có qui định cụ thể các dấu hiệu "hậu quả nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng" và vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được chấp nhận nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường.
Một ví dụ khác, Luật Bảo vệ môi trường đã dành hẳn một điều luật riêng về bảo vệ môi trường làng nghề (Điều 38). Tuy nhiên cho đến nay chưa có một văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về bảo vệ môi trường làng nghề, phân cấp quản lý và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng. Chức năng bảo vệ môi trường làng nghề của các cấp địa phương còn mờ nhạt, mới dừng lại ở việc quy định trách nhiệm chủ yếu thuộc UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, một số hình thức xử lý không khả thi, khó áp dụng như, theo điều 4 Nghị định 117/2009/NĐ-CP thì cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị "buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường". Nhưng trên thực tế, khó có thể buộc các cơ sở di dời vì không có cơ chế để giải quyết được các vấn đề về lao động, việc làm, trụ sở… Hay quy định về xử lý vi phạm với tiếng ồn và độ rung, do trang thiết bị để xác định các vi phạm này không đầy đủ và khi cơ quan chức năng đến xử lý thì doanh nghiệp dừng hoạt động, không gây ồn và độ rung quá mức quy định nên rất khó để phạt. Quy định trước khi thanh tra, kiểm tra phải báo trước một thời gian nhất định (trừ thanh tra đột xuất) dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở có thời gian đối phó. Chưa kể, có chế tài xử phạt quá nhẹ, doanh nghiệp chấp nhận xử phạt thay vì đầu tư trang thiết bị xử lý chất thải. Một số quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, cam kết bảo vệ môi trường chưa phù hợp và đáp ứng kịp thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, vì nhiều lý do, cơ quan chức năng không kiểm soát được việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư…
Trên cơ sở khảo sát, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tư pháp đã lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo trước khi trình Chính phủ. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung gần 100 văn bản pháp luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.