Nhiều rủi ro, không bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 14/05/2011

(HNM) - Hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) và giá trị sản xuất hằng năm đều tăng trưởng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro cao, phát triển không bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, quy hoạch chồng chéo...

Trước thực trạng đó, ngày 13-5, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức hội thảo bàn kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2011-2015, đưa ra những giải pháp để ngành thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả cao.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang. 
Ảnh: Hậu Phạm

Đầu tư thấp, dàn trải và không đồng bộ

Theo Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2006 - 2010, diện tích NTTS tăng đều qua từng năm, đến năm 2010, sản lượng tăng gấp 6 lần so với chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích tăng 1,7%/năm; sản lượng tăng trung bình 12,9%/năm, từ 1.694 nghìn tấn năm 2006 lên 2.828 nghìn tấn năm 2010. Giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 25.898 tỷ đồng năm 2006 lên 36.150 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng 8,7%/năm. Mặc dù, mức độ tăng trưởng của ngành cao nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Trong sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều tồn tại như thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản vẫn đang trong quá trình tháo gỡ, khắc phục; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập...

Theo ông Nguyễn Thanh Hải (Viện Kinh tế quy hoạch thủy sản) vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật những năm qua còn nhiều hạn chế, cấp nhỏ giọt, dàn trải và chậm so với yêu cầu đầu tư. Đến hết năm 2007, Nhà nước mới chỉ cân đối được ngân sách với lượng vốn rất ít, chỉ hơn 22% so với yêu cầu thực tế để đầu tư cho sản xuất và tái sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện nay thiếu nguyên liệu nên các nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng với công suất từ 40-50%. Có thể nói, ngành thủy sản Việt Nam đang "ăn đong" theo nguyên liệu nước ngoài. Dù giá cá nguyên liệu tăng nhưng người dân không dám mở rộng quy mô sản xuất vì chi phí thức ăn tăng cao và tâm lý lo ngại khả năng tái diễn khủng hoảng thừa. Do hệ thống thú y thủy sản hoạt động hiệu quả thấp nên không dự báo được tình hình dịch bệnh, dẫn đến dịch bệnh thủy sản phát sinh và phát tán nhanh, chưa có giải pháp khắc phục kịp thời và phòng trị triệt để. Đơn cử như khoảng từ giữa tháng 4 trở lại đây, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dịch bệnh thủy sản xảy ra trên diện tích hàng chục nghìn hécta làm tôm chết hàng loạt; bình quân mỗi hécta nuôi tôm công nghiệp thiệt hại khoảng 80 triệu đồng; tôm bán thâm canh là 30 triệu đồng…

Thu hoạch tôm tại Công ty Thủy sản Hưng Biển. Ảnh: Huy Hùng

Đồng bộ các giải pháp

Mục tiêu, đến năm 2015, sản lượng thủy sản tăng với tốc độ bình quân 2,66%/năm. Giá trị sản xuất thủy sản tăng 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 5,39%/năm. GDP ngành thủy sản tăng 7-8%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 5, 7 triệu tấn/năm.

Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam nhận định, để ngành thủy sản hoạt động hiệu quả và bền vững trong 5 năm tiếp theo 2011-2015, trước tiên phải phát triển theo quy hoạch, xây dựng các nhà máy chế biến theo vùng kinh tế. Các nhà máy chế biến thủy sản sẽ gắn với vùng nguyên liệu và các trung tâm công nghiệp chế biến ở từng địa phương. Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, nhà máy sẽ đặt ở Hải Phòng, nơi có các cảng biển, thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh thương mại để bảo đảm chất lượng thủy sản khi khai thác trên biển. Đối với vùng Đông Nam bộ, cần xây dựng thêm từ 10-12 nhà máy có công suất 4.000-5.000 tấn/năm, với hiệu suất sử dụng thiết bị ở mức 90%, nhằm bảo đảm cho hoạt động xuất khẩu. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển NTTS và tăng cường các biện pháp quản lý nuôi theo quy hoạch. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá ba sa, nghêu... Đẩy mạnh việc sản xuất giống nhân tạo để bảo đảm nhu cầu giống ngày càng tăng cao về số lượng và chất lượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, mục tiêu tổng thể trong kế hoạch 5 năm này là phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc trong nền kinh tế thế giới, đồng thời nâng cao thu nhập và điều kiện sống của ngư dân. Hiện nay, để giải quyết các bất cập về NTTS trước mắt cần ngăn chặn ngay tình trạng phát triển nuôi tràn lan không theo quy hoạch dẫn đến hiệu quả thấp. Các đơn vị thuộc ngành thủy sản cần thường xuyên phối hợp với địa phương trong việc quản lý chất lượng con giống, môi trường nuôi để không làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả sản xuất của ngành. Tất cả các sản phẩm thủy sản phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm gây dựng được thương hiệu cho ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nuôi tôm sú tại xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Huy Hùng

Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện Kinh tế quy hoạch thủy sản:

Hiện vấn đề quy hoạch thủy sản ở nước ta không theo kịp và đáp ứng nhu cầu phát triển. Quy hoạch ở các địa phương đều thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, quy hoạch chi tiết thường tiến hành trước các quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng. Nhiều nơi đã có quy hoạch nhưng công tác kiểm soát, giám sát yếu, thậm chí không thực hiện.

Ông Trần Đình Vĩnh, đại diện Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh:

Một trong những hạn chế của ngành thủy sản Việt Nam là chưa có tầm nhìn về chiến lược con giống. Hiện những đối tượng nuôi chủ yếu của nước ta là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu và cá ba sa. Nhưng chỉ duy nhất cá ba sa chủ động được nguồn giống trong nước còn lại đều phải nhập khẩu 100% con giống, nên giá đầu vào rất cao.

Quỳnh Dung