Từ tai nạn trên Vịnh Hạ Long: Đắm tàu mới nhớ đến phao!

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 13/05/2011

(HNM) - Hai vụ chìm tàu liên tiếp xảy ra tại Quảng Ninh đã khiến cả doanh nghiệp lữ hành lẫn du khách giật mình khi nhìn lại những tour, tuyến họ đã tham gia mà phương tiện du lịch đường thủy là những chiếc tàu, thuyền thiếu an toàn và trang thiết bị cứu hộ chỉ để đối phó.

Nhiều tàu chở khách du lịch tại Quảng Ninh chỉ có vài chiếc phao cứu hộ, không đủ bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Linh Tâm


Chuyện cái phao
Ðặc thù của du lịch Việt Nam, từ các tour ven biển như Hạ Long, Cát Bà, Hải Phòng, Sầm Sơn, Bà Rịa -Vũng Tàu, Nha Trang, Ðà Nẵng, du thuyền trên sông ở Huế, Quảng Bình… đến tour sinh thái miệt vườn hay tour rừng núi như Ðà Lạt, Buôn Mê Thuột, chùa Hương… phần lớn đều liên quan đến sông nước. Thế nhưng, việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy cho du khách chưa bao giờ được coi trọng đúng mức.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 3.757 bến sông có tàu, thuyền hoạt động và do chính quyền địa phương quản lý. Người tham gia giao thông đường thủy bắt buộc phải mặc áo phao, nhưng nhiều đơn vị du lịch thường chấp nhận cho du khách không phải thực hiện quy định này. Tuy nhiên, chủ phương tiện phải để áo phao dọc hai bên hành lang, phía sau ghế ngồi của du khách hoặc nơi dễ lấy để đề phòng khi sự cố xảy ra có thể dễ dàng ứng phó. Thế nhưng, ở nhiều tàu du lịch, thiết bị cứu hộ tối thiểu này chỉ được trang bị cho có hoặc cất ở những chỗ mà hành khách khó tiếp cận.

Đơn cử như tại Thừa Thiên Huế, dịch vụ du thuyền trên sông Hương mỗi ngày thu hút trên 1.000 lượt khách, thế nhưng đã có không ít du khách phải than phiền về việc nhiều tàu, thuyền thiếu áo phao và sắp xếp không đúng nơi quy định. Nhiều thuyền thúng ở Cửa Lò chở hàng chục khách đi câu mực đêm xa bờ cả cây số, mang theo cả bếp dầu để nướng mực nhưng không hề có phao cứu sinh. Tại Quảng Ninh, kết quả đợt tổng kiểm tra, rà soát chất lượng 135/151 tàu du lịch vừa qua cho thấy, dù 100% số tàu có giấy phép lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long nhưng có 9 tàu thiếu, hỏng 108 phao áo và 5 phao bè không bảo đảm yêu cầu và 25 tàu chưa thực hiện niêm yết hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn và thoát hiểm cho khách tại các khu vực quy định. Dẫu vậy, những con tàu này vẫn được cấp phép và "vô tư" xuất bến.

Tình trạng tàu chở khách du lịch vượt quá số ghế ngồi cũng diễn ra phổ biến. Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, mỗi ngày, hàng chục chuyến tàu cao tốc từ Vân Đồn đi Quan Lạn đều chở người nhiều gấp rưỡi số lượng ghế trong khoang hành khách. Vì nhu cầu lớn nên đơn vị vận chuyển đã xếp thêm ghế nhựa trên lối đi và boong tàu để phục vụ du khách. Gần 20 người được bố trí ngồi ở boong phía sau tàu nhưng cũng chỉ có 2 cái phao cứu sinh.

"Mất bò mới lo làm chuồng"?
Nhiều năm kinh nghiệm đưa khách đến những điểm du lịch biển, hướng dẫn viên An Huy kể, mỗi lần dẫn khách nước ngoài, anh đều thấy cứ lên tàu, thuyền là họ tìm ngay áo phao để mặc. "Không ít khách Việt thấy thế đều cười và cho là người nước ngoài quá cẩn trọng nhưng tôi lại nghĩ, họ đã không coi thường sinh mạng của chính mình. Thử hình dung nếu tàu đâm nhau, bị gió lốc, sóng lớn đánh lật, chìm trên biển, thì cho dù có biết bơi nếu không mặc sẵn áo phao, chúng ta sẽ trở tay không kịp", An Huy chia sẻ.

Có dịp tham gia hành trình khảo sát tour du lịch miền Đông Thái Lan, mỗi khi lên tàu, thuyền, phà, chúng tôi đều thấy du khách được trang bị đầy đủ đồ cứu hộ. Ngay khi bước lên tàu cao tốc để đến đảo Koh Chang (Con Voi), mỗi người trong chúng tôi được phát một chiếc áo phao và bắt buộc phải mặc. Lẽ ra, với một đất nước mà nhiều tour du lịch đều "dính" đến tàu thuyền trên sống nước thì rất cần phải có quy định bắt buộc mặc áo phao trong suốt hành trình. Có như thế mới có thể hạn chế thấp nhất rủi ro.

Quy định về bảo đảm an toàn cho phương tiện tàu thuyền chở khách đã có. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã yêu cầu các địa phương hết sức quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho khách. Các phương tiện chở khách du lịch phải được trang bị đầy đủ hệ thống cứu hộ, y tế... cũng như chỉ dẫn về các quy định an toàn, thoát hiểm trước khi lên tàu. Các phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh và xuồng cứu hộ đều phải được kiểm tra chặt chẽ trước khi tàu rời bến, nếu tàu nào thiếu các điều kiện trên sẽ không được xuất bến.

Nhưng quy định trên giấy có được các tàu thực hiện hay không? Để trả lời được câu hỏi này, ngành chức năng phải vào cuộc, kiểm tra và xử phạt nghiêm. Chứ "Mất bò mới lo làm chuồng", tàu chìm rồi mới giật mình thì du lịch Việt Nam khó mà phát triển bền vững.

Xuân Lộc