Bức xúc “truyền thống”!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:02, 13/05/2011

(HNM) - Những ngày này, dư luận lại sôi động về cơn

1. Những ngày này, dư luận lại sôi động về cơn "sóng ngầm" lãi suất tại các ngân hàng. Mặc dù theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động tiền đồng cao nhất ở mức 14%/năm, nhưng thực tế, các ngân hàng thương mại đã huy động "chui" lên tới 15-17%/năm, thậm chí sát 20%. Chiêu thức mà các ngân hàng này thực hiện vẫn "truyền thống" là thưởng, khuyến mãi lập tức, ngay khi nộp tiền. Dĩ nhiên, lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên ngất ngưởng.

2. Trong lúc câu chuyện lạm phát, giá cả tăng vùn vụt còn đang hầm hập thì xăng dầu lại "đổ thêm nhiên liệu" đốt cháy dư luận bằng kiểu kinh doanh "chập chờn". Mánh lới mà một số đại lý xăng dầu áp dụng cũng rất "truyền thống": Sau tin đồn sẽ tăng giá là tình trạng đóng cửa găm hàng, với đủ các lý do như "mất điện", "hết xăng"… Cơ quan quản lý lại cứ phải chạy theo trấn an dư luận, giải quyết hậu quả.

3. Từ rất lâu rồi có một vấn đề đến nay vẫn mang tính thời sự, đó là câu chuyện xung quanh chiếc xe máy, vốn là phương tiện quá phổ biến, thiết yếu với mọi gia đình hiện nay. Trên thị trường bây giờ xe máy bày bán ê hề, đủ các chủng loại, xuất xứ, giá cả.

Ấy thế nhưng nghịch lý là không phải vì thế mà khách hàng có quyền lựa chọn. Ngược lại, có tiền muốn mua cũng chẳng xong. Một số loại xe được ưa thích niêm yết từ nhà sản xuất một giá, nhưng người dân phải chấp nhận mua một giá khác cao hơn giá gốc. Nhưng đó cũng chưa phải là nỗi hậm hực duy nhất. Vì khi nhận hóa đơn thì hầu hết là con số được ghi lại thấp hơn số tiền khách hàng phải bỏ ra không hề nhỏ.

Ở câu chuyện thứ nhất. Xin không bàn đến việc vì sao ngân hàng vượt trần mà chỉ đề cập đến hệ lụy của sự "vượt rào" ấy. Quả thực trong bối cảnh cạnh trang huy động hiện nay người ta thật khó có thể duy trì mức lãi suất tiền gửi thấp như thế được (14%) vì còn phụ thuộc vào người gửi tiền chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng. Và chính điều này đã dẫn đến việc "đương nhiên phải phá rào" của các ngân hàng. Về quản lý, việc khách hàng nào gửi tiền cũng "trúng thưởng" chắc chắn sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải có hai sổ sách, hạch toán theo quy định và hạch toán theo thực tế. Cái điều tưởng như nguyên tắc tài chính tối kỵ này nghiễm nhiên lại được coi là công cụ hữu hiệu của các nhà băng khiến cho kỷ cương bị xem nhẹ và tính minh bạch bị phớt lờ. Đó là chưa kể những lỗ hổng có thể làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Với câu chuyện thứ hai. Găm hàng chờ tăng giá được xem như một kịch bản thành công khiến cho nhiều đại lý xăng dầu thích diễn lại. Sự tùy tiện, vì lợi ích nhóm của họ đã làm ảnh hưởng đến cả xã hội, đến nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay thì sự bất ổn định của một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu thật đáng lo ngại. Tiếc là cơ quan quản lý vẫn thiếu quyết liệt, chưa làm trọn trách nhiệm của mình. Chỉ khi sự đã xảy ra rồi mới lại hô hào kiểm tra, nhưng rút cuộc chính sự xử lý hời hợt, đánh trống bỏ dùi và chưa nghiêm túc đã tạo ra cái tiền lệ cho những kiểu kinh doanh mánh lới, gây khó cho người tiêu dùng và thiệt hại cho Nhà nước.

Còn câu chuyện thứ ba, đã tồn tại quá lâu rồi. Có nhiều người đặt câu hỏi: "Phải chăng những cán bộ các cơ quan chức năng chưa bao giờ phải đi xe máy (không phải mua xe) nên họ không hay biết?" Chuyện loạn giá xe dù dư luận phản ánh đã lâu và gay gắt mà dường như người có trách nhiệm vẫn "mũ ni che tai", chẳng ai quan tâm xử lý. Có người còn ví von "nếu như có một cái gì mà có nhiều tiền cũng không mua được, thì đó là… xe Air Blade". Cứ như vậy, thị trường xe máy loạn cào cào, thỏa sức hành người tiêu dùng. Chỉ riêng việc các đại lý ghi hóa đơn bán xe thấp hơn thực thu để trốn thuế, báo chí tốn giấy mực đã không dưới 10 năm, mà nó cứ tồn tại công khai ở hầu như tất cả các cửa hàng.

Thật tiếc. Ba câu chuyện ấy cứ tồn tại, gây bức xúc làm bất ổn xã hội, dân khổ, Nhà nước thiệt, nhưng không biết ai sẽ giải quyết?

Nữ Quỳnh