Nên cải tiến để tiếp tục lưu hành tiền xu
Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 13/05/2011
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố dừng in đúc và tiếp tục đưa vào lưu thông đồng tiền kim loại. Vì sao lại có tình trạng này? Nên dừng phát hành hay tiếp tục nâng cao chất lượng và mệnh giá đồng tiền xu, tránh tình trạng lãng phí không cần thiết? Làm thế nào để tiền xu có giá trị như tiền giấy? Đó là những câu hỏi mà dư luận quan tâm...
Bà Nguyễn Diệu Huyền (phường Đội Cấn, quận Ba Đình): Cần nâng cao chất lượng và mệnh giá tiền xu
Tôi vẫn nhớ, Tết đầu tiên phát hành tiền xu, tôi phải vất vả nhờ bạn bè mới đổi được vài cọc. Cầm trên tay những đồng tiền xu đều chằn chặn, mang mừng tuổi cho người già, trẻ em, ai cũng hớn hở. Nhưng đó cũng là cái tết duy nhất mọi người háo hức đổi tiền xu, bởi lẽ, dùng tiền xu có quá nhiều bất tiện. Nếu nói người dân "quay mặt" với tiền xu do tập quán tiêu dùng là thiếu thuyết phục. Theo tôi, có hai lý do khiến người dân tẩy chay tiền xu. Một là chất lượng đồng tiền xu quá kém, nhất là loại tiền xu mệnh giá 1.000 đồng và 5.000 đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào lưu thông, màu vàng ánh đỏ trên đồng tiền biến mất, thay vào đó là màu xám xỉn, thậm chí nhiều đồng tiền trở nên mốc xanh. Thứ hai, mệnh giá đồng tiền xu quá thấp, trong khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, khiến đồng tiền trở nên mất giá. Trước kia, người ta có thể mua hành, rau thơm... bằng những đồng tiền xu mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, nhưng giờ đây thậm chí 1.000 đồng không mua nổi. Bên cạnh đó, tiền xu không được sử dụng rộng rãi trong hệ thống thanh toán tự động như Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố, mà chỉ để thanh toán trao tay. Muốn "khôi phục" tiền xu, Ngân hàng Nhà nước phải khắc phục được những bất cập nêu trên.
Ông Trần Mạnh Cường (phường La Khê, quận Hà Đông): Xây dựng hạ tầng để sử dụng tiền xu có hiệu quả
Theo tôi, sở dĩ đồng tiền xu "chết yểu" là do trước khi cho lưu hành, Ngân hàng Nhà nước không tính đến việc phải xây dựng hệ thống hạ tầng để sử dụng một cách hiệu quả. Tôi đã đến một số nước phát triển và thấy họ sử dụng đồng tiền xu rất hiệu quả. Người ta có thể bỏ tiền xu vào máy tự động để gọi điện thoại, mua nước giải khát, đồ ăn nhanh, mua vé xe buýt, tàu điện ngầm... Còn ở Việt Nam, tiền xu chỉ dùng để thanh toán trao tay, trong tình trạng nơi được chấp nhận, nơi không. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi phí cho việc in đúc tiền xu tốn khoảng 2 tỷ đồng. Với số tiền đó, việc dừng phát hành mới tiền xu có thể không gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhưng sẽ có tác động không tích cực cho người dân, khi phát hành loại tiền không được xã hội chấp nhận. Nên chăng, khi phát hành bất cứ loại tiền nào, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến những giải pháp đồng bộ đi kèm để tăng tính hiệu quả việc sử dụng đồng tiền, hạn chế tối đa sự lãng phí không cần thiết.
Bà Trương Thị Mỵ (xã Hải Bối, huyện Đông Anh): Không nên bỏ hẳn tiền xu
Nếu lấy lý do mệnh giá tiền xu quá nhỏ, chất lượng kém, không sử dụng rộng rãi trong hệ thống bán hàng tự động... để tạm dừng việc phát hành tiền xu là việc nên làm. Tuy nhiên, có nên bỏ hẳn tiền xu trong hệ thống tiền tệ hay không là việc phải được xem xét thận trọng. Ở nước ngoài, tiền xu được dùng rất phổ biến. Thậm chí nhiều dịch vụ, dùng tiền xu còn tiện lợi hơn tiền giấy. Muốn lưu hành tiền xu, người ta đầu tư trang thiết bị bán hàng tự động để tiền xu có không gian sống riêng biệt, bình đẳng với tiền giấy. Ai dám phủ nhận, một vài năm tới, hệ thống bán hàng tự động sẽ không phát triển rộng khắp tại Việt Nam? Và khi đó, tiền xu chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Đa dạng hóa đồng tiền cũng là biểu hiện của đa dạng hóa nền kinh tế. Do vậy, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần tìm cách nâng cao chất lượng, mẫu mã và mệnh giá tiền xu cho phù hợp xu thế phát triển kinh tế chung, hơn là việc loại bỏ tiền xu trong hệ thống lưu thông tiền tệ.