Nỗi lo bệnh hình thức
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 13/05/2011
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO giúp vận hành cơ chế “một cửa liên thông” hiệu quả hơn. Ảnh: Linh Tâm
Ông Nguyễn Hoàng Linh (Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy - Tổng cục TCĐLCL) cho biết, việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các CQHCNN thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính. Cụ thể là giúp vận hành cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiệu quả hơn; thúc đẩy việc nâng cao và hoàn thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị văn phòng cho cán bộ, công chức; tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không... Hiện nay, cả nước chỉ còn tỉnh Gia Lai là chưa có cơ quan nào được cấp chứng nhận áp dụng HTQLCL. Ở cấp trung ương, đã có 153 cơ quan thuộc 13 bộ hoàn thành công việc này.
Hà Nội được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai áp dụng HTQLCL. Tính đến cuối năm 2010, đã có 112 CQHC được cấp giấy chứng nhận HTQLCL phù hợp "chuẩn" ISO 9001:2000 hoặc TCVN ISO 9001:2008. Trong số này có 19/20 sở, ngành; 29/29 quận, huyện, thị xã. Hiện có khoảng 60/577 xã đã, đang áp dụng ISO và được cấp chứng nhận. Hà Nội xác định việc áp dụng ISO tại các CQHC là một trong những tiêu chí để xây dựng văn minh công sở nên đặt mục tiêu đến năm 2012 sẽ hoàn thành việc đánh giá, cấp lại chứng chỉ ISO theo phiên bản mới ISO 9001:2008 và mở rộng lĩnh vực áp dụng; phấn đấu đến năm 2012, tất cả xã, phường, thị trấn hoàn thành việc triển khai, áp dụng và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008.
Áp dụng HTQLCL vào CQHC sẽ mang lại lợi ích là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng HTQLCL thời gian qua còn nhiều bất cập.
"Lờ" cả quyết định của Thủ tướng
Theo Quyết định 118/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 31-3-2011, các bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải hoàn thành xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng HTQLCL cho các đơn vị trực thuộc. "Hiện mới có 4 bộ gồm: Công an, Thông tin và Truyền thông, VH,TT&DL, Ngoại giao và 17 tỉnh, thành hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao. Nhiều bộ, ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương nhưng chưa công bố mô hình khung theo đúng tiến độ. Đáng lưu ý là các bộ Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn chưa hoàn thành cả việc chỉ định đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện Quyết định 118" - ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Ông Cao Bảo Anh (Vụ KHCN - Bộ Công thương) cho rằng, có thực trạng khó áp dụng ISO vào các đơn vị một phần là vì trong kế hoạch chi tài chính ở nhiều nơi chỉ ghi chung chung là kinh phí lấy từ hoạt động quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm, hiện có không ít cán bộ, công chức cho rằng việc áp dụng ISO là quá phức tạp nên không hợp tác với cơ quan chức năng hoặc làm việc một cách hời hợt. Công việc liên quan đến ISO thường được các CQHC phó mặc cho tổ chức tư vấn và chỉ bảo đảm tiến độ khi bên tư vấn thúc ép, thậm chí làm thay khá nhiều việc. Một số nơi đã "chạy tiến độ", tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong tư vấn, đánh giá, chứng nhận cũng như sao chép máy móc các quy trình của nhau... Hậu quả là việc áp dụng ISO chưa đạt yêu cầu.