Xuất khẩu lô hàng 33.000 tấn xi măng thứ 2 sang Châu Phi
Kinh tế - Ngày đăng : 13:21, 12/05/2011
Ông Lê Độ - Tổng Giám đốc của Xi măng Thăng Long cho biết: Công ty CP Xi măng Thăng Long đã xuất khẩu lô hàng 25.000 tấn xi măng đầu tiên sang thị trường Châu Phi vào tháng 1/2011. Và với lô hàng thứ 2 này, chúng tôi đã chính thức xuất được 58.000 tấn xi măng trong Hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn xi măng cho đối tác sang thị trường nước ngoài. Kế hoạch năm 2011, Xi măng Thăng Long sẽ xuất khẩu 300.000 tấn xi măng bao và 200.000 tấn xi rời sang thị trường các nước Singapore, Brunei, thị trường Châu Phi, Châu Mỹ và Trung Đông.
Với sản lượng như trên, Xi măng Thăng Long là doanh nghiệp “đi đầu” trong việc chọn Châu Phi là thị trường xuất khẩu “trọng điểm” trong năm 2011. Sở dĩ Xi măng Thăng Long chọn Châu Phi là thị trường xuất khẩu trong năm nay bởi lẽ đây được coi là thị trường tiềm năng do cơ sở hạ tầng còn thiếu và nhu cầu xây dựng cao.
Ðể có được những hợp đồng xuất khẩu này, ngoài việc đảm bảo sản phẩm có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn chất lượng xi măng quốc tế tại các thị trường Châu Âu, Châu Mỹ; Xi măng Thăng Long còn thực hiện nghiên cứu kỹ thị trường, điều chỉnh cơ chế một cách linh hoạt từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu thụ và vận chuyển.
Theo thống kê của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA), năm 2010, khối lượng xi măng sản xuất đạt 53,20 triệu tấn, tổng lượng tiêu thụ đạt 50,20 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2009. Dự báo, nhu cầu tiêu dùng xi măng trong năm 2011 sẽ tiếp tục tăng từ 9 - 10% so với năm 2010, dự tính vào khoảng 56-57 triệu tấn.
Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2011, cả nước sẽ có thêm 12 nhà máy xi măng (tổng công suất lên tới 10,18 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, nâng tổng sản lượng của toàn ngành năm 2011 ước đạt 63-65 triệu tấn. Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2011 chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2010, dao động trong khoảng 55-56 triệu tấn.
Những con số trên cho thấy, năm 2010, dư thừa sản xuất cho nội địa đã vào khoảng 2 triệu tấn. Với những dự báo năm 2011, lượng dư thừa nội địa sẽ vào khoảng trên dưới 10 triệu tấn. Như vậy, xi măng Việt Nam năm 2011 sẽ tiếp tục có mặt tại các thị trường quốc tế thông qua hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu xi măng không hề đơn giản vì những thị trường nhập khẩu xi măng lớn đòi hỏi rất khắt khe không chỉ về chất lượng mà còn nhiều yếu tố khác như dây chuyền công nghệ, việc bảo vệ môi trường nơi sản xuất; nhà máy phải có công suất lớn và đặc biệt là khả năng tập kết hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn..., điều mà không có nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đáp ứng được.
Cho đến hiện tại, Xi măng Thăng Long có thể được coi là công ty trẻ nhưng có tính toán đầu tư và thuận lợi lớn cho xuất khẩu xi măng. Thực tế, khi định hướng cho xuất khẩu, các công ty sản xuất xi măng tại Việt Nam mới nhận ra những khó khăn từ tìm kiếm đối tác, thị trường nước ngoài cho đến điều kiện cơ sở vật chất về cảng biển, phương tiện chuyên chở.
Nhờ những thuận lợi về vị trí địa lý, cảng biển, phương tiện, nhân sự, hệ thống quản lý… do sự hẫu thuẫn từ tập đoàn Geleximco, Xi măng Thăng Long có lợi thế hơn nhiều đơn vị khác trong việc xúc tiến xuất khẩu.