Hà Nội: Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 12/05/2011

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng


- Môi trường đã, đang là vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay. Ông có thể cho biết Hà Nội đã khắc phục tình trạng này như thế nào?


Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thi công nạo vét, khơi thông dòng chảy, làm sạch môi trường sông Lừ. Ảnh: Khánh Nguyên


- Tình trạng ô nhiễm MT chưa được cải thiện, nhất là với chất thải rắn, nước thải, không khí, gây bức xúc và ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của nhân dân tại nhiều khu vực. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các ngành chức năng, các quận, huyện, thị xã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, như thanh tra, kiểm tra và xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm MT; thí điểm xử lý ô nhiễm nước hồ và "gọi" các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa cải tạo MT các hồ nội thành; triển khai đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy… Những giải pháp này đã từng bước đem lại hiệu quả nhất định trong việc BVMT. Cụ thể, 24/25 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm MT nghiêm trọng trên địa bàn đã cơ bản khắc phục ô nhiễm với các hình thức như đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại chỗ, di chuyển bộ phận gây ô nhiễm hoặc dừng hoạt động toàn bộ nhà máy. Cơ sở cuối cùng là Bệnh viện Đống Đa cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng công trình xử lý nước thải, dự kiến dự án này sẽ được triển khai vào quý II-2011.

Các ngành chức năng đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật MT trên địa bàn. Năm 2009 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 267 cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, xử lý vi phạm với 230 cơ sở, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở; năm 2010 kiểm tra 220 cơ sở. Lực lượng cảnh sát MT đã điều tra, xử lý hơn 170 vụ vi phạm về MT, xử lý hình sự 20 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ…

- Việc thu gom, xử lý chất thải đang là vấn đề bức xúc và mới đây đã có thông tin cảnh báo năm 2012 Hà Nội sẽ hết chỗ chứa rác. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thu gom, xử lý chất thải rắn là nhiệm vụ được TP Hà Nội ưu tiên giải quyết, yêu cầu các cấp có kế hoạch triển khai cụ thể và hiệu quả. Hiện tại, 100% các xã, thị trấn đã thành lập các tổ thu gom rác thải ngay tại thôn, xóm và duy trì hoạt động thường xuyên. Một số xã, thị trấn đã chủ động đầu tư xây dựng các điểm chôn lấp rác quy mô nhỏ phục vụ cho công tác chôn lấp rác tạm thời ở nông thôn.

Lường trước nguy cơ quá tải các bãi rác tập trung hiện có, TP Hà Nội đã nghiên cứu, xác định 7 khu xử lý rác thải tập trung tại các huyện Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Chương Mỹ. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang triển khai các dự án mở rộng khu xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây) và Nam Sơn (Sóc Sơn); đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư dự án thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt. Hiện đã có một số doanh nghiệp hưởng ứng, tiên phong là Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC với dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến của Đức tại Sóc Sơn. Dự án này đang được tập trung thực hiện. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Môi trường đô thị và chính quyền địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng dự án. Công ty AIC cũng đang triển khai dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Mỹ Đức. Ngoài ra, một số dự án xã hội hóa khác đang trong giai đoạn lập dự án, làm thủ tục giao đất, GPMB…

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV đã đề cập đến việc nâng cao chất lượng môi trường với nhiều tiêu chí cụ thể. Mục tiêu này liệu có khả thi, thưa ông?

- BVMT là công việc thường xuyên và lâu dài. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV là nâng cao chất lượng MT với nhiều chỉ tiêu cụ thể, như 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày; 100% cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; hơn 80% cơ sở sản xuất hiện có đạt tiêu chuẩn MT; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn… Để thực hiện được các mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, Hà Nội sẽ tập trung triển khai sâu rộng và phong phú các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tham gia BVMT trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT. Mặt khác, TP Hà Nội đã yêu cầu Sở TN&MT chủ động phối hợp với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện các dự án, chương trình về BVMT, nhất là trong các lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, cải thiện chất lượng nước các sông hồ, thoát nước đô thị… Phát huy vai trò của Quỹ BVMT Hà Nội trong việc hỗ trợ cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và cho chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng… Với sự vào cuộc quyết liệt của TP cùng các sở, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân Thủ đô, tôi tin rằng môi trường Hà Nội sẽ ngày càng xanh, sạch, đẹp.

- Xin cám ơn ông!

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 3265/UBND-TNMT yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, UBND các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, lập kế hoạch, phương án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, dự thảo báo cáo UBND TP trình Thủ tướng phê duyệt trước quý III-2011. UBND quận, huyện, thị xã chủ động kiểm tra, thanh tra, thống kê, rà soát những cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền; nếu gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng sở, ngành liên quan để được hướng dẫn giải quyết. Hằng quý, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, UBND quận, huyện, thị xã phải thống kê, tổng hợp số liệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước báo cáo UBND TP, trong đó có cả tham mưu, đề xuất UBND TP, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh - kiểm tra…  

Nguyễn Đức

Tuấn Lương