Quản lý, tổ chức lễ hội: Hiểu không sâu, quyết khó trúng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 12/05/2011

(HNM) - Những ý kiến trao đổi, những nhận định, đánh giá tại hội nghị trực tuyến sơ kết việc thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, quản lý lễ hội (LH) do Bộ VH,TT&DL tổ chức ngày 11-5 ở 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy bức tranh lễ hội tuy đã tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những mảng màu tối.

Giải quyết những bất cập, hạn chế đó như thế nào, giữ gìn giá trị bản sắc của LH ra sao? Xem ra vẫn chưa có giải pháp thấu đáo.

Bớt phần nhếch nhác


Hi chùa Hương năm 2011 đã đ li nhiu n tượng trong lòng du khách. nh: TTXVN


Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành khi mùa LH năm 2011 bước vào thời điểm cao trào (9-2) đã giúp ngành văn hóa các cấp có phương hướng tổ chức, quản lý LH hợp lý hơn, khoa học hơn. Nhờ đó, nhiều LH đã bớt phần nhếch nhác. LH Yên Tử (Quảng Ninh), đền Sóc (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình)… không có nạn ăn xin, chèo kéo khách, cờ bạc. Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách do không còn tiếng loa rao bán hàng, không còn người mang lễ mặn lên chùa. LH Quán Thế Âm (Đà Nẵng), núi Bà Đen (Tây Ninh) không có việc đặt tiền "giọt dầu" tùy tiện, không đốt đồ mã vô tội vạ… Qua thực tế kiểm tra, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL khẳng định: Nghi thức dâng hương, lễ tế, lễ rước trong các LH ngày càng được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm, rõ sự kế thừa truyền thống. Hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Đánh giá tình hình thực hiện Công điện 162, Bộ VH,TT&DL thẳng thắn nhìn nhận những việc chưa làm được. Điển hình là LH đền Trần (Nam Định) với lượng khách quá đông, tổ chức các điểm phát ấn chưa hợp lý, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy kinh hoàng làm 29 người ngất và bị thương. Đội quân khấn, cúng thuê, đốt vàng mã vẫn tung hoành ở LH Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Dầy (Nam Định). Hiện tượng nhét tiền vào tay tượng, ném tiền xuống giếng… còn khá phổ biến ở nhiều LH lớn.

Hiểu lệch lạc, làm sao tổ chức tốt?


Các ngành chức năng cần có những biện pháp tổ chức hợp lý để tránh tái diễn tình trạng người dân chen nhau xin ấn Đền Trần.


Những bất cập nói trên đã nhức nhối nhiều năm, vì sao chưa thể khắc phục? Bà Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Hiện cả nhà quản lý và người dân đang có nhận thức sai lệch về di tích và LH. Di tích thì đang được cơi nới, làm thêm, chứng tỏ người quản lý muốn khai thác nhiều hơn nữa giá trị của di tích. Còn đối với LH, hoặc do không hiểu biết, hoặc do sự đứt quãng lịch sử, dẫn đến việc các thế hệ người dân trao truyền nghi lễ theo cách hiểu của họ khiến nhiều nghi thức như thể "vay mượn". Hơn thế, nhiều địa phương có xu hướng mở rộng quy mô, nâng cấp, biến LH thành điểm đến du lịch, vô hình trung đã mang yếu tố thương mại vào LH.

Đồng tình với quan điểm trên, song ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Việc tổ chức, quản lý LH hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn rất lớn: nhu cầu tâm linh ngày càng cao nhưng sự hiểu biết về các nghi lễ, tập tục gắn với LH ngày càng ít. Người dân đến LH với nhu cầu thực dụng là cầu xin công danh, tiền tài, lợi lộc chứ ít người đến chỉ vì mục đích tham quan hay sinh hoạt văn hóa.

Gay gắt hơn, ông Nguyễn Đức Tuấn, Văn phòng Bộ VH,TT&DL tại Đà Nẵng nhận định: Sự quản lý, tổ chức LH chưa tốt của các cơ quan hữu quan là nguyên nhân cơ bản làm LH biến chất. Theo ông, LH của làng xã thì để làng xã làm, LH của nhân dân thì để nhân dân làm, không có lý do gì mà các cơ quan quản lý lại ôm đồm quá nhiều. Ngay như nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên, UNESCO không công nhận ở góc độ một môn nghệ thuật mà công nhận là không gian văn hóa ở khía cạnh - bao trùm cả nghệ thuật cồng chiêng và LH cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng chỉ sống được khi có không gian rừng núi, sông, suối, nhà rông, LH. Thế nhưng cuối năm 2009, lễ hội cồng chiêng độc đáo này lại được "nâng cấp" thành festival, đưa cồng chiêng lên sân khấu. "Đó không phải là cách phát huy giá trị của LH, của di sản mà là giết di sản", ông Nguyễn Đức Tuấn bức xúc.

Rõ ràng là vấn đề phân cấp quản lý và tổ chức LH cần phải được thực hiện bài bản, triệt để hơn, công khai và minh bạch cả về trách nhiệm và hình thức xử lý vi phạm đối với người, cơ quan, tổ chức được giao quyền quản lý, tổ chức LH. Để bức tranh LH còn nhiều màu tối như hiện nay, trách nhiệm trước hết chẳng phải thuộc về những người tổ chức và các cơ quan quản lý hay sao!

Cần sớm có quy hoạch LH

Mổ xẻ, phân tích, phản ứng gay gắt trước những bất cập trong quản lý và tổ chức LH là việc dễ, đưa ra giải pháp phù hợp mới khó. Theo ý kiến của nhiều người, việc cần làm lúc này là phải sớm có quy hoạch LH trên phạm vi toàn quốc. Trong khi chờ đợi kiểm kê, tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao ý thức, thì kinh nghiệm quản lý từ các LH cụ thể là những bài học quý.

Theo ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử văn hóa đền Hùng, từ khi số tiền công đức được công khai, minh bạch, ghi rõ vào sổ sách, sau đó chuyển vào Kho bạc Nhà nước thì mọi chuyện trở nên dễ dàng. Không còn bị thất thoát, lãng phí nên người dân tin tưởng và công đức nhiều hơn. Riêng khoản tiền "giọt dầu", theo ông Khôi là không thể quản lý được bởi người đi lễ ai cũng muốn bày tỏ chút lòng thành. Vấn đề là phải hướng dẫn người dân thể hiện thế nào cho phù hợp. Quan điểm này được nhiều đại biểu đồng tình. Còn đại biểu tỉnh Tây Ninh tự đánh giá rằng, sở dĩ LH chùa Bà Đen ít mặt trái là do sớm có BQL di tích, BTC lễ hội; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân.

Dưới góc độ quản lý vĩ mô, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhận định: Công điện 162 có tác động tích cực đến bức tranh lễ hội trong thời gian qua. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành VH sẽ xúc tiến soạn thảo dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức; sớm tiến hành kiểm kê di sản lễ hội làm căn cứ quy hoạch lễ hội; có nghiên cứu và định hướng để phân biệt thế nào là tâm linh, thế nào là mê tín dị đoan… Cục Văn hóa cơ sở cũng sẽ xây dựng trang web về lễ hội nhằm cung cấp thông tin đa chiều cho những ai quan tâm tới LH.

Mùa LH năm 2010 đã qua. Bức tranh LH Việt Nam sẽ chuyển "gam" gì trong mùa sau, phụ thuộc vào những việc làm từ hôm nay.

Ngày 9-2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 162/CĐ-TTg về việc ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong tổ chức, quản lý LH. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức LH phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của LH. Bộ VH,TT&DL và UBND các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý LH, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong LH như: mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền "giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ...


Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Lương Hồng Quang: Đang xây dựng đề án tổ chức lễ khai ấn đền Trần
Được giao nhiệm vụ xây dựng đề án tổ chức lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), Viện đang tiến hành khảo sát, lấy ý kiến nhân dân phường Lộc Vượng - nơi có đền Trần, lấy ý kiến các nhà khoa học; đồng thời tham khảo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để xây dựng đề án tổ chức lễ khai ấn đền Trần. Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành và trình Bộ VH,TT&DL xem xét trước ngày 15-6.

Minh Ngọc