Những “con đường” của thuốc

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:30, 12/05/2011

(HNM) - Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, khoa học, kỹ thuật chuyên ngành y, dược cũng phát triển… Nhưng y đức đang là vấn đề luôn được dư luận quan tâm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người dân băn khoăn về y đức của thầy thuốc, trong đó phải kể đến những con đường đi của thuốc đến với người bệnh qua việc kê đơn.

Thuốc có ảnh hưởng đến sinh mệnh con người. Vậy mà thuốc đang bị sự xuống cấp về y đức của thầy thuốc chi phối.

Tại các cửa hàng dược phẩm, dược sỹ sẽ bán thuốc theo đơn.

Khám, điều trị và kê đơn thuốc là những trình tự luôn đi cùng với nhau trong việc chữa bệnh cho con người. Và, tại các cửa hàng dược phẩm, dược sỹ sẽ bán thuốc theo đơn mà bác sỹ đã kê, người bệnh cứ theo phác đồ điều trị mà sử dụng. Quy trình trên không phải theo thói quen, kinh nghiệm, mà là khoa học, là luật pháp: Bác sỹ kê đơn, dược sỹ bán thuốc.

Về nguyên tắc, để tránh sự tư lợi cho cả hai bên thì bác sỹ không được vừa kê đơn, vừa bán thuốc; còn dược sỹ không thể tự ý bán thuốc được. Mối quan hệ giữa bác sỹ và dược sỹ là mối quan hệ tương tác lẫn nhau và có thể gạch nối giữa họ là các trình dược viên (TDV). Đơn thuốc không chỉ là tài liệu mà còn là cầu nối trong sáng giữa hai nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng một mục đích cao cả là: cứu người. Nhưng thực tế không phải bao giờ và tất cả bác sỹ và dược sỹ đều làm được như vậy. Có trường hợp các bác sỹ đã để cho bệnh nhân dùng cả hai dạng bào chế của cùng một hoạt chất. Dù rằng tiêm hay uống khi vào cơ thể mọi loại thuốc đều được hấp thu. Có thầy thuốc cho đơn chỉ quan tâm đến giá trị kinh tế của đơn thuốc và tâm lý người bệnh. Có người bệnh, nhất là người già thì lại cho rằng: Đơn càng nhiều thuốc, càng quý; càng đắt tiền thì hiệu quả điều trị bệnh càng cao. Ai cũng biết thuốc, ngoài tác dụng cần thiết còn kéo theo rất nhiều tác dụng phụ, càng uống nhiều loại thuốc thì khả năng gây tác dụng phụ càng nhiều. Sức khỏe của người bệnh ra sao khi con đường của thuốc đến với bệnh nhân trở nên gập ghềnh bởi y đức không còn trong sáng, lành mạnh nữa?

Anh Tuấn, một TDV cho Công ty HB Group (Công ty cổ phần TM dược phẩm và thiết bị y tế ) cho biết: Khi mới vào nghề, các tân TDV là sinh viên vừa tốt nghiệp trường dược sẽ được cho đi học hỏi trực tiếp tại các bệnh viện từ 3-4 tháng. Nhưng thực tế, họ không qua khóa đào tạo nào về sản phẩm, mà chủ yếu là học hỏi kỹ năng… chào mời và lấy lòng bác sỹ. Anh này cho biết: "Muốn tiếp cận bác sỹ thì đầu tiên phải có quà cáp, thường thì có thuốc mẫu giá trị cao và hoa hồng. Bác sỹ nào còn dè dặt, thăm dò thì lại phải đến nhiều hơn. Nhưng mà không đến chỗ làm đâu nhé…

Có tình trạng thế này: Một số bác sỹ khám bệnh kê đơn thường gắn với một vài quầy thuốc nhất định để được hưởng hoa hồng. Chủ quầy luôn thông báo cập nhật cho bác sỹ những loại biệt dược mới mà các quầy khác không có. Bác sỹ kê đơn xong dặn ra quầy đó mà mua. Đơn kê càng nhiều thuốc quý hiếm càng lắm tiền, chủ nhà thuốc bán được nhiều tiền thì "lại quả" cho thầy thuốc kê đơn cũng nhiều. Có rất nhiều lời dặn dò khi kê đơn cho người bệnh là: Dứt khoát phải uống đúng thuốc này mới khỏi mà thuốc này chỉ ở chỗ ấy mới có. Nếu người bệnh không đỡ là tại không dùng đúng thuốc của bác sỹ...(!) Khổ cho những người nghèo, bệnh trọng, họ rất cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần của người thầy thuốc. Không ít những người cầm tờ đơn ra nhà thuốc tính tiền mà mặt xám ngoét, mặc dù bệnh tình của họ có thể sử dụng những viên thuốc nội với giá chấp nhận được. Thế nhưng cũng có không ít những thầy thuốc mặc áo trắng, trái tim chai sạn, thờ ơ với nỗi đau của những người bệnh cùng đường. Con đường của thuốc đến với bệnh nhân phải "qua cầu" này thì không biết sẽ đi đến đâu?

Các công ty tư nhân nhỏ thường chú trọng vào hoa hồng theo mỗi lô thuốc. Chị Loan đang là TDV cho một bệnh viện cho biết, chỉ tính riêng tiền thuốc biếu, khuyến mãi... cho bác sỹ đã khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, những tháng trúng thuốc đặc trị, thu nhập tăng lên thì chi cho bác sỹ từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Việc này có thể thấy rõ tại Phòng khám Nhi Bệnh viện Đa khoa X tại Hà Nội. Những ngày trời lạnh, các bệnh nhi đến khám viêm phế quản rất nhiều. Viêm phế quản, viêm phổi nhẹ không cần điều trị bằng kháng sinh thế hệ 3 hoặc 4 mà chỉ cần dùng kháng sinh nhẹ hơn, cùng lắm là kháng sinh thế hệ 2. Nếu kê đơn thuốc đúng như bệnh thì số tiền hoa hồng hoặc là quá ít hoặc không có gì cả nên có bác sỹ đã điều chỉnh sang kháng sinh thế hệ 3 cho bệnh nhân.

Ông cha ta đã từng dùng cây củ, rễ lá rẻ tiền mà chữa được khỏi nhiều bệnh. Vấn đề kê đơn hợp lý, hợp cả với túi tiền người ốm mà khỏi được bệnh mới là thần y. Chỉ riêng chuyện này Bộ Y tế cũng đã tốn không ít giấy mực để in các văn bản, chỉ thị hướng dẫn, yêu cầu các bác sỹ phải kê đơn hợp lý. Nhưng xem ra chuyển biến chẳng được là bao.

Dường như Hải Thượng Lãn Ông đã thấu hiểu tình cảnh đó, cụ từng kêu lên: "Chữa cho người giàu sang thì tỏ lòng sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...". Chẳng hiểu lời nói của ông Tổ ngành y nước Việt có lọt đến tai hậu duệ của ngài không?

Ở nước ta công nghiệp dược đã có những tiến bộ vượt bậc trong vòng hơn mười năm nay. Bên cạnh sự phát triển về chất lượng, chủng loại mẫu mã đa dạng của các loại thuốc là cả một hệ thống, chương trình thông tin quảng cáo nhanh chóng, hiệu quả hơn bao giờ hết. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thầy thuốc cũng như bệnh nhân sử dụng thuốc nội một cách thuận tiện. Thế nhưng thị trường thuốc nước ta sôi động không phải vì thuốc tốt được sản xuất trong nước mà bởi sự có mặt của hầu hết các hãng nổi tiếng trên thế giới. Các hãng này đã không tiếc tiền để tung ra các chiêu tiếp thị độc đáo. Vì vậy, viên thuốc không đến nỗi đắt đỏ như thế nhưng bởi phải gánh thêm những khoản khác nên giá thành tăng vọt. Và cuối cùng là người bệnh đã phải oằn lưng gánh chịu.

Nhiều bác sỹ có mối liên quan gắn bó với các công ty dược và những người giới thiệu thuốc hay còn gọi là TDV. Các hãng thuốc thường cho những người giới thiệu thuốc của hãng mình đến các bệnh viện tiếp xúc với các bác sỹ kê đơn, tài trợ cho họ dưới mọi hình thức như: phong bì, quà biếu, chỉ nhằm một yêu cầu sẽ lựa chọn các thuốc mà hãng họ có và kê đơn. Để bán được nhiều thuốc, TDV đang sử dụng các bác sỹ như một "công cụ" làm ăn. Các bác sỹ cũng thừa biết việc làm của mình chẳng minh bạch, hay ho gì; nhưng không kiềm chế nổi trước lợi nhuận, nên nhiều người đã nhắm mắt đưa chân.

Bác sỹ T.A ở bệnh viện P. đã chua chát tâm sự: "Là một bác sỹ đang làm công tác chuyên môn và cũng đã từng làm TDV cho vài công ty nên tôi cảm nhận được hết nỗi niềm của các nhân viên y tế và của các TDV khi phải đau lòng đọc những bài báo nói về họ mặc dù đó chỉ là một khía cạnh, một mắt xích trong chuỗi các mắt xích. Trong khi đáng lên án là một vài công ty dược mua bán lòng vòng nâng giá lên nhưng vẫn không bị xử lý, một sản phẩm đã có vài loại với tên khác nhau nhưng vẫn cho nhập tiếp mà lại quên quan tâm tới giá nhập, giá bán, chất lượng mà không thấy trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu. Trong đấu thầu các bệnh viện đã thực sự minh bạch và theo đúng các tiêu chí của đấu thầu chưa? Hay mỗi mùa đấu thầu tới là các nhân vật chủ chốt trong hội đồng thuốc phải khổ vì phải tiếp các công ty dược…".

Bao nhiêu con đường của thuốc đến bệnh nhân là bấy nhiêu vòng vèo, quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh. Nếu các con đường ấy không được sớm xóa bỏ, e rằng người bệnh sẽ còn khốn khổ hơn.

Vũ Minh Nguyệt