Kiểm soát tải trọng phương tiện
Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 10/05/2011
Sau một thời gian thử nghiệm tại hai trạm kiểm tra tải trọng phương tiện (sau đây tạm gọi là trạm cân) tại Đồng Nai và Quảng Ninh, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị tiếp tục triển khai các trạm cân để bảo đảm an toàn cũng như chất lượng hạ tầng giao thông.
Đường bộ xuống cấp nghiêm trọng do xe quá tải
Kiểm tra tải trọng phương tiện trên quốc lộ 55.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống đường bộ nước ta rất đa dạng, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, theo nhiều hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, cấp kỹ thuật cũng khác nhau. Kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu. Việc phương tiện chở quá tải trọng cho phép càng làm các tuyến đường, cây cầu xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng. Nhiều công trình cầu được thiết kế để khai thác với tuổi thọ khoảng 100 năm, nhưng mới đưa vào khai thác từ 15-20 năm đã bị hư hỏng nặng. Báo cáo kết quả khảo sát, kiểm tra của Dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, thực hiện trên quốc lộ 5 (QL) cho thấy, trên QL này năm 2006, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 xe cơ giới (20-30% tổng số xe lưu hành trên tuyến) vi phạm quy định chở quá tải trọng cho phép, đến nay con số này đã bị vượt xa. Đáng kể là nhiều xe có trọng tải lên đến 80 tấn hoặc có xe cơ giới có tải trọng của cụm trục lên tới 54 tấn (vượt xa so với quy định về tải trọng phương tiện).
Hàng loạt sự cố hư hỏng cầu, đường do xe tải trọng nặng gây ra được Tổng Cục Đường bộ Việt Nam dẫn chứng như: cầu Đại Tân (QL18) bản mặt cầu liên hợp bị hư hỏng nặng, phải làm cầu tạm; cầu Đuống cũ (QL1 cũ) bị thủng lớn bản mặt cầu; cầu Hạc và cầu Bố (QL1) bị vỡ bê tông đầu dầm; cầu Yên, cầu Vũng Trắm (QL1) bị thủng lớn bản mặt cầu; cầu Tà Pao (QL55) bị sập; cầu Khe Khoang (QL7) bị sập... Đó là chưa kể hàng loạt cầu khác trên nhiều QL bị hư hỏng nặng phải sửa chữa khẩn cấp để bảo đảm giao thông. Các cầu vượt cũng chịu chung số phận khi bị xe chở hàng quá khổ va quệt làm vỡ đáy dầm, đứt cáp DƯL…
Cần thiết lập lại các trạm cân
Để quản lý tải trọng xe, nhiều nước trên thế giới đã thiết lập hệ thống trạm cân. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, số liệu khảo sát năm 2006 của Tổ chức Động lực đường bộ quốc tế, châu Âu có 1.188 tuyến đường, châu Á có 1.700 tuyến, châu Phi có 88 tuyến, Bắc Mỹ có 3.864 tuyến, Nam Mỹ có 1.208 tuyến, Trung Đông có 56 tuyến, Australia có 120 tuyến phải lập trạm cân. Ngay từ năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 455/TTg về việc thành lập 27 trạm cân và đã ngăn chặn hiệu quả vi phạm về quy định tải trọng. Tỷ lệ xe chở quá tải trên đường bộ giảm từ 19,13% năm 1995, xuống còn 0,17% năm 2003. Tuy nhiên, do những hạn chế về kỹ thuật, kiểm tra mất nhiều thời gian, trạm đặt ở một chiều đường gây xung đột, ùn tắc giao thông. Thêm vào đó, là nảy sinh tiêu cực do cán bộ, nhân viên lợi dụng những hạn chế về mặt kỹ thuật của thiết bị, thông đồng với lái xe bỏ qua những trường hợp quá tải để trục lợi. Chính vì vậy, năm 2003, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) có Công điện số 129/CĐ-TTGT ra lệnh tạm dừng hoạt động các trạm cân để nghiên cứu hiện đại hóa thiết bị, đổi mới quy trình và kiện toàn tổ chức trạm cân. Trong thời gian tạm dừng hoạt động của các trạm, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức nghiên cứu hiện đại hóa thiết bị, đổi mới quy trình kiểm tra và tăng cường, kiện toàn công tác tổ chức.
Năm 2009, 2010, hai trạm cân thí điểm được tổ chức tại QL18 (Quảng Ninh) và QL1 Dầu Giây (Đồng Nai). Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù còn một số hạn chế nhất định về kỹ thuật, tổ chức hoạt động nhưng các dự án thí điểm hiện đại hóa trạm cân đã đạt mục tiêu đặt ra cả về mặt kỹ thuật cũng như quy chế phối hợp. Kết quả theo dõi tại trạm Dầu Giây (Đồng Nai) cho thấy, tỷ lệ xe cơ giới chở quá tải vi phạm giảm từ 23,35% (2009) xuống 19,17% (2010). Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng các trạm cân theo Đề án tổng thể quản lý tải trọng xe Bộ GTVT đã trình Chính phủ để ngăn chặn những tác động tiêu cực từ phương tiện chở quá tải. Xu hướng của các trạm cân thời gian tới là giảm sự phụ thuộc vào con người, tăng tính tự động hóa nhằm chống tiêu cực tại trạm. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tiêu cực từ chỗ này chuyển sang chỗ khác. Ngoài ra, một vấn đề cũng rất đáng lưu tâm là chọn vị trí thích hợp để thiết lập trạm cân sao cho vừa bảo đảm kiểm tra chặt chẽ, vừa bảo đảm giao thông thông suốt.