Những quy định chưa sát thực

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 10/05/2011

(HNM) - Công chứng và chứng thực là hai lĩnh vực có nhiều hồ sơ giao dịch hằng ngày nhất. Song trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực này còn có một số điều chưa phù hợp, dẫn tới khó khăn và phiền hà cho cả cán bộ và người dân khi thực hiện.


Cần mở rộng thẩm quyền ký chứng thực

Theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì phòng tư pháp cấp huyện chỉ có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài mà không có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ bằng tiếng Việt cũng như chứng thực chữ ký các văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt. Vì thế, nếu cần chứng thực một bộ hồ sơ bao gồm cả văn bản bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt thì người dân phải đi đến cả cấp huyện và cấp xã; trong khi đó, lượng hồ sơ có hai thứ tiếng ngày càng nhiều. Một thực tế đang tồn tại là việc đưa thủ tục chứng thực vào thực hiện tại bộ phận "một cửa" và giao cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã thẩm quyền ký chứng thực đã làm chậm thời gian trả kết quả chứng thực, bởi cán bộ tư pháp lại phải trình và chờ lãnh đạo đơn vị ký. Nếu lãnh đạo đi họp thì rất khó bảo đảm yêu cầu trả kết quả chứng thực ngay trong ngày theo quy định. Chưa kể, nhiều chủ tịch, phó chủ tịch không thạo chuyên môn về luật vẫn phải ký chịu trách nhiệm về văn bản chứng thực.


Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Ảnh: Phương An


Vấn đề này đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý cho sửa đổi để phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi điều này vẫn bị "vướng", vì theo Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 110 thì cán bộ tư pháp - hộ tịch chỉ là một chức danh chuyên môn, không phải vị trí lãnh đạo nên không có thẩm quyền được ký văn bản chứng thực.

Luật Công chứng quá "mở"

Luật Công chứng quy định một số đối tượng như thẩm tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… được miễn đào tạo nghề công chứng viên (CCV), nhưng công chứng là một nghề đặc thù nên vẫn cần được bồi dưỡng nghiệp vụ mới có kỹ năng cần thiết để hành nghề. Nhiều người cho rằng, có thể cho miễn đào tạo nghề nhưng những đối tượng này phải được bồi dưỡng nghiệp vụ trong thời gian một tháng tại Học viện Tư pháp trước khi được bổ nhiệm. Đồng thời, hằng năm các CCV phải qua một kỳ bồi dưỡng bắt buộc để cập nhật thông tin, nếu CCV nào không tham gia học tập, hoặc tham gia nhưng kết quả không đạt yêu cầu sẽ bị rút thẻ hành nghề, theo như thông lệ thế giới. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng công chứng đồng đều thì cần tạo mặt bằng chung về chất lượng CCV. Tuy nhiên, đơn vị nào có trách nhiệm bồi dưỡng cho các CCV khi cả nước hiện có tới hơn 800 CCV (nhưng vẫn chưa có tổ chức hiệp hội công chứng) cũng là vấn đề nan giải. Với lượng CCV đông như vậy, việc bồi dưỡng tập trung hằng năm thì khó khả thi, mà giao cho các sở tư pháp "gánh" thêm trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ này xem ra cũng không phù hợp. Bà Lê Thu Hà, Trưởng khoa Đào tạo chấp hành viên và các chức danh tư pháp khác (Học viện Tư pháp) cho rằng: Sở Tư pháp là cơ quan quản lý, nên nếu đặt yêu cầu phải tổ chức bồi dưỡng cho CCV hằng năm là nằm ngoài khả năng, vì vậy, cần phải có một tổ chức đứng ra tổ chức bồi dưỡng lâu dài để tạo mặt bằng chung cho các CCV cả nước.

Luật Công chứng cũng quy định CCV được lựa chọn nơi hành nghề, song ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng quy định này không khả thi trên thực tế, bởi CCV phải chọn đặt địa điểm Văn phòng công chứng (VPCC) theo quy hoạch; nhất là với các TP có nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Cụ thể như ở Hà Nội, hiện có 50 tổ chức hành nghề công chứng, với 114 CCV đang hoạt động và 100 CCV đang chờ hoạt động, thì càng không thể để các CCV "tự do" lựa chọn nơi hành nghề. Tương tự, thủ tục chuyển đổi VPCC một thành viên sang nhiều thành viên cũng chưa rõ ràng. Thực tế, Hà Nội đã xử lý bằng cách ghi thêm tên CCV và cấp đăng ký hoạt động mới sau mỗi lần chuyển đổi. Tuy nhiên, trong thời gian chờ UBND TP cho phép chuyển đổi thì không thể dừng hoạt động của VPCC, mà vẫn phải hoạt động theo loại hình cũ.

Trước nhiều vấn đề chưa phù hợp, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến vào một số dự thảo nghị định thay thế nghị định đang thực hiện, nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động công chứng. Theo đó, dự thảo sẽ tập trung điều chỉnh các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng, chế độ tài chính, con dấu của phòng công chứng, VPCC; quản lý việc tổ chức, đào tạo nghề; phí công chứng; một số quy định về CCV... Riêng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6-2011.

Phạm Anh