Trí thức hóa giai cấp công nhân: Bắt đầu từ đâu?
Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 10/05/2011
Thiếu kiến thức, thiếu quyền lợi
Đào tạo công nhân tay nghề cao tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia lao động, việc làm và cũng như là khái quát thực trạng chung hiện nay về tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ sản xuất trực tiếp trong các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực DN ngoài quốc doanh. Thiếu kiến thức được xác định là thiếu chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, thiếu hiểu biết về pháp luật (nhất là Luật Lao động) và thiếu kiến thức trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Việc này "kéo theo" sự thiếu hụt về quyền lợi của CNLĐ và ngược lại. Đơn cử như, trong khi người có tay nghề bậc 6/6 như công nhân Nguyễn Văn Thắng ở phân xưởng Khai thác 3, Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái - Công ty Than Uông Bí, luôn đạt mức thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/tháng, thì CNLĐ trực tiếp tay nghề thấp, chỉ có mức thu nhập chưa bằng 1/4. Một thực trạng khác đang là vấn đề "nóng" hiện nay đó là khi thiếu kiến thức, trình độ tay nghề, CNLĐ dễ bị xâm phạm, dẫn đến thiếu quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khác như cơ chế chính sách lương, thưởng, bảo hiểm...
Khảo sát mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 9 tỉnh trọng điểm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho thấy: CNLĐ có trình độ tiểu học chiếm 4,5%, trung học cơ sở chiếm 25,9%, trung học phổ thông chiếm 75,5%. Trong số CNLĐ có trình độ THPT có tới 44,4% CNLĐ chưa qua đào tạo nghề tại các trường nghề. Khi vào làm tại DN, họ chỉ được đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc. Sự hiểu biết pháp luật của CNLĐ ở mức "có biết": Luật CĐ là 85,2%, Luật Lao động là 90,1%, Bảo hiểm xã hội là 88,8%, Bảo hiểm thất nghiệp là 87,2% và Luật Bảo hiểm y tế là 88,5%. Tỷ lệ CNLĐ "biết rõ" các luật đã tăng từ 1% đến 3% năm vừa qua.
Làm gì để "lấp lỗ hổng" kiến thức cho CNLĐ?
Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định là do CNLĐ khu vực kinh tế nhà nước làm việc với thời gian và cường độ khá căng thẳng, đời sống kinh tế eo hẹp, không có điều kiện tham gia học tập nâng cao trình độ. Đại bộ phận người sử dụng lao động không tạo điều kiện (cả về vật chất và thời gian) cho CNLĐ đi học. Thiếu chế độ chính sách khuyến khích người lao động tham gia học tập cũng là một "rào cản" khó vượt qua đối với CNLĐ.
Tại một hội thảo gần đây, bàn về việc làm thế nào để nâng cao trình độ CNLĐ, Tiến sỹ Lê Thanh Hà, Viện phó Viện Công nhân - CĐ khẳng định, phải phát triển, đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề và phải có chính sách khuyến khích các DN tham gia dạy nghề theo hướng các cơ sở dạy nghề trong DN được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Đồng thời, Nhà nước cần tập trung lãnh đạo cải cách hệ thống đào tạo nghề, tăng cường các nguồn lực để đào tạo, đào tạo lại và cần quan tâm hoàn thiện hệ thống hướng nghiệp ở cấp học phổ thông…
Theo bà Đinh Thụy Mỹ Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam, ngoài việc nâng cao trình độ, trí tuệ, năng lực, CNLĐ cần được trang bị kiến thức cần thiết như: có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo dưỡng thiết bị máy móc, phương tiện sản xuất, có tinh thần hợp tác và tác phong lao động công nghiệp và kiến thức, chủ động hội nhập quốc tế.
Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, LĐLĐ TP đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể, hướng mạnh về cơ sở, lấy CNLĐ là đối tượng hoạt động, trong đó đa dạng hóa các hình thức tổ chức phong trào thi đua, các hội thi lao động giỏi, thao diễn kỹ thuật. Đồng thời, hướng dẫn và phân công đoàn viên có tay nghề cao kèm cặp, giúp đỡ đoàn viên yếu về tay nghề, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức CĐ cũng chủ động tham mưu để lãnh đạo thành phố gặp mặt, đối thoại với đại biểu CNLĐ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp những kiến nghị của CNLĐ; tăng cường giám sát, thực hiện tốt chính sách tiền lương tối thiểu đối với CNVCLĐ...
Trí thức hóa giai cấp công nhân, đòi hỏi nâng cao hơn nữa vai trò CĐ với đa dạng các giải pháp và có đội ngũ cán bộ CĐ nhiệt tình và có năng lực tốt, vì quyền, lợi ích của người lao động. CĐ thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, các cuộc thi về tay nghề nghiệp vụ chuyên môn cho CNLĐ... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc người sử dụng lao động đề cao trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, tạo điều kiện để người lao động gắn bó lâu dài với DN. Song một giải pháp "then chốt" nữa là, chính CNLĐ cũng cần tự ý thức trong việc nâng cao trình độ, kiến thức để tăng quyền lợi cho chính mình.