Nước đến... chân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 10/05/2011

(HNM) - Khoảng 15h ngày 8-5, tàu QN 2070 của Công ty TNHH Hải Long đã bị chìm tại khu vực hang Bồ Nâu - Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long, cách đảo Ti Tốp chừng 300m. Khi xảy ra tai nạn, tàu QN 2070 đang neo đỗ để 28 du khách nước ngoài vào tham quan hang Sửng Sốt, trên tàu chỉ có thủy thủ đoàn.


Ngẫm lại, cách đây chưa đầy 3 tháng, tại khu vực này đã có một chiếc tàu chở 21 du khách bị chìm vào 5h sáng ngày 17-2. Vụ tai nạn đã làm 12 du khách thiệt mạng, trong đó có 10 người nước ngoài. Sau vụ việc này, tỉnh Quảng Ninh đã lập đoàn công tác tổng kiểm tra 135 tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long nhằm loại bỏ những tàu không bảo đảm chất lượng, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại đối với hệ thống thiết bị an toàn, rà soát toàn bộ đội ngũ thuyền viên... Khi đó, nhiều vấn đề đã được đoàn kiểm tra phát hiện: Hệ thống lái trên 5 tàu không bảo đảm; 9 tàu đang thiếu, hỏng 108 phao áo và 5 phao bè không bảo đảm yêu cầu; 25 tàu chưa niêm yết các bảng nội quy, hướng dẫn thoát hiểm, sử dụng trang thiết bị an toàn cho khách tại các khu vực quy định; 59 thuyền viên trên 10 tàu chưa có giấy chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ... Chắc rằng những vấn đề như vậy sẽ được các DN khắc phục ngay và cũng tin rằng sau vụ việc đau lòng này, việc thanh tra, kiểm tra sẽ được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên chứ không phải "mất bò mới lo làm chuồng"?

Vậy nhưng gần 3 tháng sau, vụ chìm tàu QN 2070 ngày 8-5 vẫn khiến không ít người giật mình dù tai nạn này không có tổn thất về tính mạng con người.

Thời gian qua, so với đường bộ và đường sắt thì hành khách có cảm giác yên tâm hơn khi tham gia giao thông đường thủy và đường không. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thẳng thắn thì hệ thống giao thông đường thủy của chúng ta hiện nay chưa phát triển mạnh, lưu lượng phương tiện tham gia trong loại hình giao thông này cũng còn có mức độ. Như vậy, dù số vụ việc tai nạn xảy ra trong giao thông đường thủy không nhiều nhưng không có nghĩa là chúng ta đã làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông trong lĩnh vực này. Một số vụ việc đã xảy ra trên sông Sài Gòn, sông Hồng, sông Đuống.... và mới đây là trên Vịnh Hạ Long đã cho thấy điều đó. Ví dụ đưa du khách tham quan Vịnh Hạ Long, nhiều tàu du lịch được cấp giấy phép ngủ đêm trên vịnh, nhưng khu vực nào an toàn được neo tàu lại vào ban đêm, khu vực nào không? Lực lượng cứu hộ bố trí ra sao tại những nơi đó? Khi xảy ra tình huống đột xuất (giông bão), tàu thuyền sẽ trú ẩn tại đâu? Việc phân luồng tàu thuyền thực hiện như thế nào để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ?... Mới chỉ một chuyện ngủ đêm trên vịnh đã có hàng loạt câu hỏi cần có câu trả lời bằng những quy định cụ thể mà tất cả các tàu thuyền tham gia hoạt động này đều phải chấp hành. Nhìn rộng ra, bảo đảm an toàn cho các hoạt động giao thông đường thủy còn không ít bất cập.

Ở một khía cạnh khác, hiện nay đang là giai đoạn quyết định cho việc bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Không thể để những vụ việc đã xảy ra như vừa qua ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của Vịnh Hạ Long nói riêng và hoạt động du lịch của Việt Nam nói chung: Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn (trong đó có an toàn giao thông đường thủy) cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch là đặc biệt quan trọng. Chắc chắn chẳng ai muốn đến những nơi mà mình còn ngại ngần, lo lắng về sự an toàn của bản thân để tham quan, du lịch.

Ngẫm câu nói của các cụ về chuyện "nước đến chân mới nhảy", đã là lời cảnh báo người không biết lo xa, thụ động trước va đập cuộc sống phải trả giá. Còn chúng ta, nước đâu chỉ đến chân, nước đã đến cổ, nước ngập đầu dìm chết cả chục du khách đang ngon giấc trong đêm xuân yên tĩnh thơ mộng trên Vịnh Hạ Long chẳng là bài học đắt giá hay sao. Tin rằng vấn đề chuẩn hóa phương tiện và những quy định nghiêm ngặt về luồng lạch trong an toàn giao thông đường thủy ở Quảng Ninh nói riêng và trên toàn quốc nói chung chắc chắn không thể chần chừ thêm nữa.

Hoàng Thu Vân